"Dư địa" nào cho chất vấn nghị trường?
Sau khi nhận phiếu thăm dò, môt số vị đại biểu đã tỏ ra thất vọng, vì "không thấy vấn đề nào thực sự nóng"
Như VnEconomy đã thông tin, chiều 6/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 5 nhóm vấn đề để các vị đại biểu chọn 4 cho các phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 16/11 tới.
Đó là các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm trả lời chính của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ba vị bộ trưởng: Tài chính, Thông tin - Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vắng vấn đề "nóng"
Sau khi nhận phiếu thăm dò, môt số vị đại biểu đã tỏ ra thất vọng, vì "không thấy vấn đề nào thực sự nóng".
Theo kết quả xin ý kiến tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội, cả ba vấn đề đứng đầu về số lượng đề xuất cần chất vấn tại kỳ họp này đều vắng bóng trong 5 nhóm vấn đề được chọn.
Đó là vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (18 đoàn chọn); trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, công tác giám sát, kiểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu, quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc… (11 đoàn). Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong các dự án BOT giao thông, trách nhiệm và giải pháp khắc phục (9 đoàn).
Về BOT, trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Nhưng theo giải thích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì do tân Bộ trưởng mới được phê chuẩn nên chưa chất vấn tại kỳ họp này.
Mặt khác, vấn đề BOT cũng đã được mổ xẻ khá kỹ càng qua giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nên theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thì có thể mức độ ưu tiên không còn quá cao.
Nhưng trách nhiệm của Bộ Y tế về giám sát, kiểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu, quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc... thì khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) và một số vị đại biểu khác cho rằng đây là vấn đề đáng được đặt lên bàn chất vấn. Bởi, đây không chỉ là trách nhiệm trong vụ VN Pharma mà lớn hơn là chất lượng thuốc - vấn đề thiết yếu, liên quan tới sức khoẻ của toàn dân.
Lý do để không chọn Bộ trưởng Y tế vào danh sách trả lời chất vấn lần này nếu là vì đã đăng đàn kỳ họp thứ ba thì theo đại biểu Thuý là không thực sự hợp lý. Bởi, chất vấn tại nghị trường không phải là kết quả của sự "xếp hàng" và xuất hiện "thôn lần xã lượt".
"Theo tôi thì cứ chọn người trả lời chất vấn theo mức độ quan tâm của đại biểu, tất nhiên cũng phải xuất phát từ bức xúc của cử tri", bà Nguyễn Thị Kim Thuý nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), nếu vấn đề thực sự nổi cộm thì dù kỳ họp trước đã chất vấn, kỳ sau vẫn cần tiếp tục để có giải pháp.
Nhìn tổng thể 5 nhóm vấn đề dự kiến chất vấn, đại biểu Hiển nhận xét, trốn thuế, gian lận thuế hay nợ công... đều là những vấn đề nóng. Nhưng cũng có vấn đề nóng không kém, tưởng như nhỏ nhưng thực ra lại lớn, chẳng hạn việc thương hiệu Khaisilk sử dụng nhãn mác giả hàng Việt trong một thời gian dài.
"Nhìn bề ngoài vụ việc của một doanh nghiệp thì tưởng nhỏ nhưng tạo hiệu ứng rất lớn làm mất lòng tin của dân, đó cũng là vấn đề cần phải mổ xẻ", ông Hiển thể hiện quan điểm.
Còn "ý kiến khác"
Nhìn toàn bộ quá trình xin ý kiến, cũng có vị đại biểu băn khoăn rằng tại sao khi các đoàn đề xuất nhóm vấn đề với Bộ Thông tin và Truyền thông có vấn đề cổ phần hoá các doanh nghiệp do Bộ quản lý, nhưng đến khi chốt lại 5 nhóm để xin ý kiến từng đại biểu thì lại không có.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, nếu đã chọn vị bộ trưởng nào đó trả lời chất vấn trực tiếp thì đại biểu hoàn toàn có thể chất vấn tất cả những vấn đề thuộc lĩnh vực vị đó phụ trách.
Và, theo ông thì chủ toạ cũng không nên đề nghị trả lời bằng văn bản mà nên để trả lời công khai tại nghị trường để đại biểu cùng nghe và cử tri giám sát, bởi các phiên chất vấn luôn được truyền hình trực tiếp.
"Dư địa" cho chất vấn, theo một số vị đại biểu còn ở chỗ, sau khi các vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thì Thủ tướng (hoặc Phó thủ tướng) sẽ đăng đàn. Và, không có giới hạn nào đối với vấn đề đại biểu chất vấn người đứng đầu Chính phủ.
Mà chỉ có sự eo hẹp về thời gian, khi người lên "ghế nóng" sau cùng chẳng bao giờ được bố trí trọn một buổi, dù gần 3 ngày (6 buổi) chỉ có 5 vị trả lời chất vấn.
10h sáng 7/11 là thời hạn cuối để các vị đại biểu Quốc hội gửi lại phiếu xin ý kiến về các nhóm vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chất vấn. Trong phiếu, ngoài 5 nhóm vấn đề in sẵn, còn có không gian để các vị đại biểu có "ý kiến khác".
Đó cũng có thể xem là một "dư địa" để các vị đại diện cho dân chọn vấn đề chất vấn - một nội dung luôn có ý kiến nhiều chiều tại Quốc hội.