23:00 30/03/2024

Dư địa nào cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu nông sản sang Mỹ?

Vân Nguyễn

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp đà phục hồi từ cuối năm ngoái, mang về 17,4 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào doanh thu xuất khẩu của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2024. Dư địa xuất khẩu sang thị trường này được nhận định vẫn còn rất lớn, đặc biệt với nông sản Việt Nam…

Mỹ là một trong những thị trường quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh minh họa
Mỹ là một trong những thị trường quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

NHIỀU CƠ HỘI CHO NÔNG SẢN VIỆT

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), CEO LNS Group, trong quá trình “thực chiến” làm việc và phân phối sản phẩm tại Mỹ, bà nhận thấy đây vẫn luôn là quốc gia còn nhiều tiềm năng lớn đặc biệt là nông sản Việt Nam.

Thực tế từ số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu... nhưng Mỹ không có thế mạnh để sản xuất.

Nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt hướng dến thị trường hơn 340 triệu dân, bà Jolie Nguyễn cho rằng với số lượng kiều bào đông đảo, cùng với nhiều hệ thống siêu thị Việt, siêu thị châu Á đã tạo ra nhiều tiềm năng cho sản phẩm Việt.

Bên cạnh đó, hiện cộng đồng người Mỹ La tinh đang dần có thói quen tiêu dùng tương tự như người Việt, họ dần yêu thích những sản phẩm đến từ Việt Nam như trái cây, hải sản,…những sản phẩm có nét đặc trưng riêng của Việt Nam khó tìm thấy ở quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo bà Jolie Nguyễn, doanh nghiệp Việt vẫn không thể tránh khỏi những thách thức từ thị trường mà nhiều quốc gia trên thế giới đều nhắm đến này. Đơn cử, giá cước vận chuyển sau Covid-19 đang tăng cao, đẩy giá hàng hóa, sản phẩm Việt tăng gây nên những sức ép cạnh tranh về giá cả so với các nước trong khu vực Nam Mỹ.

Ngoài ra, hiện nay quy mô của nhiều doanh nghiệp vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất thô với số lượng ít, khiến cho việc đáp ứng dài hạn, đảm bảo cung cấp những sản phẩm có chất lượng vẫn chưa cao. Đồng thời, những quy định về kiểm duyệt sản phẩm cũng như cách đóng gói bao bì tại thị trường Mỹ tương đối khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân tủ nghiêm ngặt.

“Mỹ là thị trường lớn và rộng mở, để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này vừa “khó” nhưng cũng vừa “dễ”. Doanh nghiệp cần chủ động tận dụng, nắm bắt những cơ hội bằng cách hiểu rõ quy trình, quy định kiểm duyệt sản phẩm và khi có được cơ hội cần cẩn trọng, giữ vững uy tín trong chất lượng sản phẩm”, bà Jolie Nguyễn cho biết thêm.

XUẤT KHẨU TÔM SANG MỸ DẦN PHỤC HỒI

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 2 đầu năm 2024 đạt 173 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước do trùng với Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 1, kim ngạch vẫn ghi nhận tăng so với cùng kỳ.

Giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu của Việt Nam kể từ tháng 1 năm nay có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, Anh, Hàn Quốc ghi nhận tăng trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản giảm.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ qua các tháng - Nguồn: VASEP
Xuất khẩu tôm sang Mỹ qua các tháng - Nguồn: VASEP

Theo VASEP, tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 11%, còn đạt 173 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tháng 1 nên lũy kế hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đã mang về 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tháng 2/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và  Hong Kong tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39 triệu USD. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 2 năm nay. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong ghi nhận tăng tới 143%, lên mức hơn 81 triệu USD.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Hiện, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2 năm nay đạt 31 triệu USD, giảm 9%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72 triệu USD, tăng 26%.

Theo VASEP, mặc dù xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm trong tháng 1 nhưng với tốc độ nhẹ, nguyên nhân là do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.

Theo nhận định của các chuyên gia, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.

So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, VASEP cho biết nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay khá cao. Tháng đầu tiên của năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán.

Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ, tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.