19:08 08/12/2023

Dù doanh thu năm 2022 trên 70.000 tỷ đồng vượt xa chỉ tiêu, hãng bay quốc gia vẫn chịu nhiều bất lợi

Ánh Tuyết

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines cho thấy doanh thu hợp nhất đạt trên 70.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021 nhờ lượng khách nội địa tiếp đà hồi phục. Tuy nhiên, tổng công ty vẫn chưa thể thoát lỗ...

Vietnam Airlines hướng đến mục tiêu cân đối thu chi từ năm 2024, khắc phục âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và xóa lỗ lũy kế các năm kế tiếp.
Vietnam Airlines hướng đến mục tiêu cân đối thu chi từ năm 2024, khắc phục âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và xóa lỗ lũy kế các năm kế tiếp.

Ngày 8/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN - HoSE) chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. 

GÁNH THÊM 3.000 TỶ ĐỒNG VÌ "BÃO" NHIÊN LIỆU, BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, doanh thu hợp nhất cả năm 2022 của Vietnam Airlines đạt trên 70.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021 (khoảng 28.000 tỷ đồng). Một tín hiệu lạc quan nữa là lỗ gộp tổng công ty giảm mạnh chỉ bằng 30% cùng kỳ.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ sau thuế 11.298 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 15%, tương ứng lỗ giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó. 

Theo Vietnam Airlines, kết quả nêu trên chủ yếu nhờ thị trường khách nội địa tiếp tục phục hồi. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến "ông lớn" hàng không vẫn chưa thoát lỗ do thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa tải và giá vé bình quân thấp tại thị trường nội địa; giá nhiên liệu tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh khiến các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa. Còn phụ thu xăng dầu trên mạng đường bay quốc tế mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí so với chi phí nhiên liệu tăng cao.

Cùng với đó, lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi. Theo tính toán, chi phí nhiên liệu, nhiên liệu năm 2022 tăng cao hơn dự tính trên 3.000 tỷ đồng và kế hoạch đề ra không thể lường đón hết mọi khó khăn.

Cụ thể, theo ghi nhận, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ đồng. Đáng quan ngại, so với năm 2019 thời kỳ trước đại dịch, doanh nghiệp phải gồng gánh thêm 7.625  tỷ đồng chi phí nhiên liệu do nhiên liệu bay tăng giá.

Hơn nữa, chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.269 tỷ đồng, cũng tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 804 tỷ đồng.

Gánh nặng chi phí năm 2022 cũng tăng gấp 2,7 lần năm trước đó, ở mức trên 4.400 tỷ đồng.

"Vì những nhân tố trên, kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines vẫn chưa thể cải thiện tương ứng với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách", đại diện hãng bay giãi bày.

Tại báo cáo này, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cũng chỉ rõ khả năng hoạt động của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU THOÁT LỖ NĂM 2024

Lý giải nguyên nhân chậm trễ công bố báo cáo kiểm toán 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết trong 3 năm vừa qua, giai đoạn 2020 - 2022, đại dịch Covid đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt hoạt động của Vietnam Airlines, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán.

Tình trạng hoạt động và tài chính của Vietnam Airlines trong giai đoạn này có nhiều nội dung phát sinh cần được đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành đánh giá chi tiết, đầy đủ trên các khía cạnh để đảm bảo đáp ứng chuẩn mực ghi nhận theo quy định kiểm toán như: các nội dung nợ quá hạn, ghi nhận thời hạn công nợ, ghi nhận giảm chi phí với các hợp đồng có đàm phán giảm giá và cơ cấu nợ, yêu cầu đối chiếu xác nhận công nợ, đánh giá các sự kiện phát sinh sau kỳ kế toán, đánh giá khả năng hoạt động liên tục của hãng…

Các yếu tố trên ảnh hưởng đến tiến độ cơ quan kiểm toán hoàn thành phát hành báo cáo tài chính kiểm toán của Vietnam Airlines.

Vì vậy, hãng có công văn báo cáo các bộ, ngành liên quan và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về nguyên nhân khách quan chậm phát hành báo cáo và đề nghị gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính kiểm toán và công bố thông tin doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 là một phần trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và cũng là nội dung cần thảo luận tại đại hội, do đó, Vietnam Airlines phải lùi ngày tổ chức đại hội.

Để đẩy nhanh tiến trình phục hồi thời gian tới, đại diện Vietnam Airlines cho biết tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Tổng công ty cũng cần thời gian nhiều năm để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.

Tại đề án tái cơ cấu và đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, Vietnam Airlines xây dựng đồng bộ các giải pháp bao gồm: tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.

Các giải pháp này đều hướng đến mục tiêu là cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dẫn, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.