Dự kiến quy mô đầu tư cao tốc phân kỳ phải tối thiểu 4 làn xe
Bộ Giao thông vận tải cho biết ngay trong quý 1 sẽ ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, trong đó, yêu cầu quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ cao tốc cần đáp ứng tối thiểu 04 làn xe hoàn chỉnh...
Cử tri tỉnh Bình Phước phản ánh hiện nay, một số đường cao tốc được thiết kế có 02 làn đường, tốc độ cho phép tối đa là 80km/giờ, chưa đảm bảo nhu cầu tham gia giao thông của người dân.
Do đó, cử tri tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ tham mưu thi công đường cao tốc phải đảm bảo 03 làn đường trở lên và quy định tốc độ tối đa cho phương tiện lưu thông trên đường là 100km/h, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển cho các phương tiện.
Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh với quy mô 4-10 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn.
Trong thời gian qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đầu tư phát triển đường bộ cao tốc nói riêng là rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp.
Trước những bất cập nảy sinh khi vận hành cao tốc phân kỳ, để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao tốc độ khai thác và hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 và Văn bản số 140/VPCP-CN ngày 6/1/2024, Bộ Giao thông vận tải đã và đang khẩn trương triển khai các giải pháp.
"Xây dựng, ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc trong quý 1/2024, trong đó quy định về quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ cần đáp ứng tối thiểu 04 làn xe hoàn chỉnh, bố trí đầy đủ làn dừng xe khẩn cấp và đầu tư đồng bộ các công trình phục vụ khai thác như hệ thống giám sát, điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ... bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác".
Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cao tốc rà soát, báo cáo phương án triển khai đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 02 làn xe lên 04 làn xe và từ 04 làn xe lên 06 làn xe.
"Trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc phân kỳ đầu tư cao tốc vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, vừa bảo đảm khả năng cân đối vốn và để sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt ngang đường đối với một số tuyến có nhu cầu vận tải trong thời gian đầu khai thác chưa cao.
"Đối với các tuyến có nhu cầu vận tải cao đã được đầu tư ngay theo quy mô hoàn chỉnh như: tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết ùn tắc tại các đô thị lớn và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận việc vận hành các tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ đầu tư còn một số hạn chế như: phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang đường 02 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cùng với đó, đường 04 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời; tốc độ khai thác chưa cao.
Điển hình là cao tốc Cam Lộ - La Sơn dù mới đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, đặc biệt sau Tết Nguyên đán đến nay khiến tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh khi lưu thông. Trong đó, hai vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 5 người chết và nhiều người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng, giao thông trên tuyến ùn tắc nhiều giờ sau tai nạn khiến người dân bức xúc.