11:00 27/03/2019

Dự thảo thí điểm cho công ty bảo hiểm được bảo lãnh thông quan hàng hóa

LAM GIANG

Dự thảo thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ được trình Quốc hội thông qua vào năm 2020 và được thực hiện thí điểm vào năm 2021 - 2022

Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo nghị quyết thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo kế hoạch, dự thảo được xây dựng từ năm nay và trình Quốc hội thông qua nghị quyết vào năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ, quan điểm của việc xây dựng dự thảo nghị quyết là đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, hiệp định tạo thuận lợi thương mại và các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. Tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp do phải lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu...

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng sẽ giúp ngành hải quan nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp. 

Cụ thể, chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan; hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, hoàn thuế hoặc không chịu thuế chờ hoàn thành thủ tục quyết toán với cơ quan hải quan, cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan cũng giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh tranh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan hải quan.

Theo ban soạn thảo, sẽ cho thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực như hàng hóa thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất, bao gồm cả thời gian gia hạn; hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; các trường hợp chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành...

Dự thảo đưa ra 2 phương thức bảo lãnh thông quan: thứ nhất, bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp áp dụng đối với các trường hợp: hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan... 

Thứ hai, bảo lãnh dựa trên trị giá của lô hàng nhập khẩu áp dụng đối với các trường hợp như bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Tổ chức tham gia phát hành bảo lãnh cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định tại nghị quyết này bao gồm các tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Bộ Tài chính công nhận.

Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan chịu trách nhiệm: nộp đủ số tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo trị giá của lô hàng trong trường hợp bảo lãnh theo trị giá lô hàng nhập khẩu; nộp đủ số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp trong trường hợp bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp; chỉ định địa điểm bảo quản hàng hóa đối với trường hợp bảo lãnh dựa trên trị giá lô hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh nhằm đảm bảo đơn vị đứng ra bảo lãnh là các tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm phải nộp các khoản tiền tương ứng với số tiền thuế hoặc trị giá hàng hóa được bảo lãnh vào ngân sách nhà nước trong trường hợp chủ hàng hóa xuất nhập khẩu không có điều kiện để thực hiện. 

Như vậy, việc thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất, đưa hàng hóa vào lưu thông, giúp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng góp phần hạn chế, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật về thuế và pháp luật về quản lý chuyên ngành. Riêng đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm sẽ tăng doanh thu của mình thông qua hoạt động bảo lãnh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu này.

Cơ chế bảo lãnh thông quan hàng hóa sẽ được thí điểm trong 2 năm 2021 - 2022 sau đó sẽ triển khai mở rộng các loại hình có thể được áp dụng ngay trong giai đoạn thí điểm hoặc sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động trong giai đoạn thí điểm. Từ năm 2024 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức Hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...