16:36 17/04/2024

Đủ tuổi nghỉ hưu và đóng bảo hiểm dưới 20 năm, cách nào để có lương hưu?

Nhật Dương

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, nếu có nguyện vọng được hưởng hương hưu thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cho đến khi đủ số năm đóng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Quyền lợi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó có hưu trí là một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định của chính sách hiện hành, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Về tuổi nghỉ hưu, căn cứ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. Tại năm 2024 thì tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.

Hiện mức hưởng lương hưu được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ như sau: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Về tỷ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi được tính 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Các chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp câu hỏi của người lao động gửi về. 
Các chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp câu hỏi của người lao động gửi về. 

Việc tính hưởng chế độ hưu trí và mức lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, diễn biến thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi nghỉ hưu, tuổi đời, thời điểm nghỉ hưu, chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ…

Đối với những trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, nếu có nguyện vọng được hưởng hương hưu thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cho đến khi đủ 20 năm đóng, để được hưởng lương hưu theo quy định.

Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

Họ cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội tiếp tục được đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Thống kê chỉ tính trong tháng 3/2024, toàn ngành ước giải quyết khoảng 5.200 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Ngoài chế độ hưu trí, các quyền lợi về bảo hiểm xã hội khác cũng được người lao động quan tâm, liên quan đến chế độ thai sản, trợ cấp thất nghiệp; chốt sổ bảo hiểm xã hội; thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; quyền lợi hưởng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Đủ tuổi nghỉ hưu và đóng bảo hiểm dưới 20 năm, cách nào để có lương hưu? - Ảnh 1

Tại chương trình, các chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trả lời cụ thể các câu hỏi của các tổ chức, cá nhân gửi về; đồng thời thông tin thêm về một số kết quả, giải pháp đã và đang triển khai nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách theo quy định.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 3 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 17,4 triệu người, tăng 1,6%. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 15,9 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 1,4 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,2 triệu người, tăng 1,67%. Gần 90,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 0,28%.

Chỉ tính riêng trong tháng 3/2024, đã có 806.793 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được giải quyết chế độ. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết khoảng 59.355 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; khoảng hơn 15 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.