Đưa tuyến luồng hàng hải cảng Chân Mây vào khai thác
Tuyến luồng hàng hải cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), sau khi điều chỉnh hướng tuyến và hệ thống báo hiệu hàng hải trong quá trình xây dựng đê chắn sóng, đã chính thức được đưa vào khai thác...
Sau khi điều chính hướng tuyến của luồng theo hướng tây bắc – đông nam, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định đưa tuyến hàng hải Chân Mây vào khai thác nhằm khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực.
Luồng hàng hải (luồng tàu) Chân Mây có chiều dài 3,1 km, chiều rộng đáy 150 m, đường kính vũng quay trở tàu 400 m, chiều sâu thiết kế của luồng và vũng quay âm (-12,2)m.
Trước đó, trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), Cục Hàng hải Việt Nam đã nhất trí với chủ đầu tư điều chính hướng tuyến, hệ thống báo hiệu luồng tàu Chân Mây đồng thời giữ nguyên chuẩn tắc (tập hợp các kích thước không gian gồm đường, điểm, bề mặt dùng làm căn cứ ghi kích thước) thiết kế tuyến luồng hàng hải hiện hữu.
Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác thiết lập điều chỉnh tuyến và hệ thống báo hiệu hàng hải theo quy định nên Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất đưa tuyến luồng Chân Mây vào hoạt động nhằm khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng.
Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc phối hợp với Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các đơn vị liên quan cập nhật thông tin về tuyến luồng Chân Mây sau khi điều chỉnh hướng tuyến, để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong khu vực tuyến luồng mới, điều chỉnh theo quy định.
Đồng thời, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ các thông số kỹ thuật căn bản của tuyến luồng Chân Mây đã được công bố và các thông số kỹ thuật luồng tàu thực tế hiện hữu theo thông báo hàng hải định kỳ cũng như nội quy cảng biển cùng các quy định và hướng dẫn liên quan, để tổ chức phổ biến thông tin.
Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 được khởi công vào ngày 08/10/2022 với tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, theo Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 29/10/2010. Dự án xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây kéo dài thêm 300 m, với tổng chiều dài 2 giai đoạn 750 m, dịch chuyển luồng tàu đến vị trí mới cách luồng cũ khoảng 50 m, giữ nguyên hướng tuyến tây bắc - đông nam.
Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác hàng hoá, năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Theo quy hoạch tại Quyết định 1579/QĐ-TTg, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng đông bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEUs hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Khu cảng Chân Mây đã được Bộ Giao thông vận tải bổ sung công năng khai thác tàu container.
Được biết, Công ty cổ phần cảng Chân Mây đã khai trương tuyến vận chuyển container nội địa cảng Chân Mây vào đầu tháng 12/2022. Đây là tuyến thí điểm chuyên vận chuyển hàng cho các doanh nghiệp sản xuất men frit và cristobalite (tấm kính pin năng lượng mặt trời, thiết bị bán dẫn – NV), giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí vận tải.
Theo báo cáo của Công ty cảng Chân Mây, hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, năm 2022 lượng hàng thông qua đạt khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Dự báo năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.