Đức đã đưa đồng Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại hối
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã quyết định đưa đồng Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại hối của nước này
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã quyết định đưa đồng Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại hối của nước này, một động thái thúc giúp đẩy địa vị quốc tế của Nhân dân tệ.
Phát biểu tại một sự kiện ở Hồng Kông ngày 15/1, ông Andreas Dombret, thành viên Hội đồng Thống đốc Bundesbank cho biết quyết định trên được đưa ra vào năm ngoái, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mà Bundesbank là một thành viên đầu tư 500 triệu Euro, tương đương 611 USD, vào Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, vị quan chức từ chối tiết lộ Bundesbank sẽ phân bổ tỷ lệ bao nhiêu trong dự trữ ngoại hối của Đức vào Nhân dân tệ.
"Đồng Nhân dân tệ ngày càng được sử dụng nhiều trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Chẳng hạn, ECB đã đưa Nhân dân tệ vào dự trữ và một số ngân hàng trung ương khác ở châu Âu cũng làm vậy", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Dombret phát biểu.
Hồi năm 2016, Trung Quốc đạt một bước tiến lớn trong tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ khi đồng tiền này được đưa vào giỏ tiền tệ tham chiếu mang tên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bước tiến này đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ đạt địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới.
Tuy nhiên, từ sau đó, bước tiến của đồng Nhân dân tệ diễn ra chậm hơn. Với các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ tiếp tục được Chính phủ Trung Quốc duy trì, đồng Nhân dân tệ đã xuống hạng trong danh sách những đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Swift, Nhân dân tệ đã xuống vị trí thứ 6 trong danh sách này, từ vị trí cao kỷ lục là thứ 4 được thiết lập vào tháng 8/2015.
"Đây không phải là một khoản lớn, nhưng là việc chúng tôi đã quyết định", ông Dombret nói trong một cuộc trao đổi với Bloomberg. "Việc Nhân dân tệ được đưa vào giỏ SDR và việc ECB dự trữ Nhân dân tệ đều là những nhân tố dẫn đến quyết định của chúng tôi".
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt các biện pháp kiểm soát vốn. Những lo ngại về biến động tỷ giá đã khiến Bắc Kinh duy trì kiểm soát chặt chẽ. Năm 2017, Nhân dân tệ tăng giá 6,8% so với USD.
Đến nay, Bundesbank đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Frankfurt trở thành một trung tâm giao dịch đồng Nhân dân tệ ở châu Âu, nhưng giới chức cho rằng hạ tầng cho giao dịch này chưa được sử dụng hết tiềm năng. Tuy nhiên, ông Dombret nói rằng một khi sáng kiến con đường tơ lụa mới của Trung Quốc được đẩy nhanh, thì đồng Nhân dân tệ cũng sẽ được sử dụng rộng rãi hơn.
"Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nên các sáng kiến chính sách của họ cũng được cảm nhận trên khắp thế giới", ông Dombret nói và nhấn mạnh "các mối liên kết thương mại với Trung Quốc sẽ ngày càng tăng cường".
Mỹ từ lâu vẫn cho rằng Trung Quốc định giá Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực để giành lợi thế xuất khẩu, nhưng ông Dombret nói phân tích của Bundesbank cho thấy đồng Nhân dân tệ không bị định giá thấp.
"Theo tính toán của chúng tôi, giá trị của Nhân dân tệ không mang lại lợi thế cạnh tranh nào cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Ngược lại, sức cạnh tranh về giá của nền kinh tế Trung Quốc là khá thấp, nên từ quan điểm đó, chúng tôi cho rằng những cáo buộc nói Nhân dân tệ bị định giá thấp là thiếu cơ sở", ông Dombret phát biểu.