15:22 09/11/2017

Dùng quyền tranh luận, đại biểu nêu "tiền lệ nguy hiểm" trong bổ nhiệm

Nguyên Vũ

"Một số lãnh đạo quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có"

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh dùng quyền tranh luân để phát biểu.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh dùng quyền tranh luân để phát biểu.

Sáng 9/11 lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Có đến 45 vị đại biểu đăng ký phát biểu nhưng thời gian chỉ đủ cho chưa đến 20 vị đăng đàn.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đương nhiên được ưu tiên "chen ngang", tuy nhiên bà Khánh lại không tranh luận với đại biểu nào mà nêu một tiền lệ theo bà là nguy hiểm. 

Bà Khánh nói: "thực tế chúng ta đã thấy thời gian vừa qua dư luận, báo chí và cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ, vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có, nên chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch bổ nhiệm "hot girl, siêu tốc" vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương".

Theo đại biểu Khánh, "nếu Chính phủ, Quốc hội không quan tâm thấu đáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp không xử lý nghiêm minh thì sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình. Vô hình chung tạo ra một lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chị em phụ nữ trẻ nói riêng, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, gây bất bình dư luận xã hội".

"Ví dụ như trường hợp ở Thanh Hóa đến bây giờ chúng tôi cũng không biết là cô gái trẻ ấy đã đi đâu, đây không biết là quan tâm, tạo thuận lợi hay là hại chị em phụ nữ, cho nên đề nghị Chính phủ phải quan tâm, đánh giá" bà Khánh nói tiếp và chỉ dừng lời khi chủ toạ nhắc bà đã không tranh luận mà tham luận.

Một phát biểu khác gây chú ý tại phiên thảo luận là của đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định). Đại biểu Tuấn nói: nhiều người cho rằng bình đẳng giới là sự ngang bằng giữa nam và nữ trong tham gia và thụ hưởng, từ đó có quan điểm trong xây dựng chính sách chỉ cần trung tính là bình đẳng rồi, mà chưa quan tâm đến những biện pháp đặc thù để bình đẳng giới.

Theo đại biểu thì cần chú ý là mục tiêu của bình đẳng giới đó là không phân biệt đối xử, tạo sự công bằng về cơ hội cho nam và nữ chứ không phải tạo sự ngang bằng giữa nam và nữ một cách tuyệt đối. Do đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, do thiên chức khác nhau, không thể có sự ngang bằng tuyệt đối giữa nam và nữ. "Chúng ta hướng tới sự ngang bằng giữa nam và nữ về cơ hội trong tham gia và thụ hưởng, còn thực tế có tận dụng được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào ý chí, sự cố gắng và hoàn cảnh cụ thể mỗi cá nhân", ông nói.

 Vấn đề tiếp theo được nam đại biểu đề cập là có quan niệm cho rằng, phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ, như vậy cũng chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ. "Khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thậm chí thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới, bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, thậm chí bị đánh. Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm', đại biểu Tuấn phát biểu.

Tuy nhiên, vị đại biểu Nam Định cũng nhấn mạnh một vấn đề đáng quan tâm là tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong xã hội. Tư tưởng đó là bất bình đẳng đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy, những điều xấu.

Chẳng hạn, khi sinh con đa số mong có con trai dẫn đến tỷ lệ giới tính khi sinh mất cân đối. Theo số liệu thống kê của năm 2016, hiện nay có 112 bé trai ra đời thì chỉ có 100 bé gái, ở nhiều địa phương tỷ lệ đó cao hơn nhiều, cao nhất lên đến tới 120 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những thay đổi kịp thời thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ dư ra từ 3-4 triệu đàn ông, đây là một mối lo lớn cho những người đàn ông trong tương lai, đại biểu Tuấn nhìn nhận.