"Đừng viện lý do để níu giữ quyền lực, hành doanh nghiệp"
"Phải chăng kiểm tra chuyên ngành là thủ tục để hành doanh nghiệp, chứ không phải là mục tiêu chống gian lận thương mại?"
"Không chỉ tháo gỡ khó khăn mà phải tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, đi đôi với chống gian lận thương mại", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "nhưng cũng không được lấy lý do chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, để níu giữ quyền lực, hành doanh nghiệp".
Ngày 9/1/2018, chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, phải tăng tốc mạnh thì mới đạt được mục tiêu giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu Chính phủ đã đề ra cho năm nay.
Nêu lên con số 30% lô hàng đến nay vẫn phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi mục tiêu kéo xuống là 15%, Phó Thủ tướng đặt ra câu hỏi, "nghịch lý là số lượng các lô hàng kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng hiệu lực kiểm tra chuyên ngành rất kém, phát hiện rủi ro chỉ 0,14%.
Trong khi một số lĩnh vực bỏ sót, thì một số lĩnh vực bộ nào cũng "nhúng tay vào", có mặt hàng tới 3 bộ, như con tằm thôi không biết là bao nhiêu thủ tục. Phải chăng kiểm tra chuyên ngành là thủ tục để hành doanh nghiệp, chứ không phải là mục tiêu chống gian lận thương mại?".
Ông Phó thủ tướng cũng điểm danh từng bộ, có bộ làm rất tốt nhưng có ba bộ rất quan trọng là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các doanh nghiệp vẫn kêu nhiều nhất, thì như Bộ Nông nghiệp là bộ có nhiều thủ tục nhất nhưng lãnh đạo bộ lại không dự họp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, không ít bộ, ngành còn chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, mà điển hình nhất là chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đã chủ động xây dựng hệ thống quản lý tự động tại khu vực cảng biển và hàng không, kết nối tất cả các cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi ở khu vực cảng biển.
Trước đây khi doanh nghiệp có lệnh giao hàng phải đi tìm container của mình phải mất 1-2 ngày, thông qua "cò" mới tìm được, nhưng giờ nhờ kết nối, chỉ 2 phút doanh nghiệp biết số container là biết hàng của mình ở đâu.
Về kết quả kiểm tra chuyên ngành, thí điểm 1 năm lấy 30 ngàn mẫu tại Tp.HCM chỉ phát hiện 18 mẫu, chiếm 0,14%. 50% có danh mục kiểm tra mà không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nằm ở đâu, phần nhiều thuộc về phạm vi kiểm tra của các bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Là một trong những bộ bị điểm danh trong diện có nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân trần, "trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch, cụ thể có 6 thủ tục kết nối 1 cửa quốc gia, năm 2017, thêm được 1 thủ tục và dự kiến 5 thủ tục sẽ đưa vào năm 2018. Với những kết quả đã đạt được, không hiểu thông tin ở đâu cho rằng doanh nghiệp vẫn phải bôi trơn với Bộ Công Thương để hoàn thiện được thủ tục?".
Còn đại diện Bộ Y tế cho biết, cơ quan này chỉ đưa vào danh mục kiểm tra chuyên ngành nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Lĩnh vực y tế dự phòng trước nay đều có mức giới hạn và bộ đã thống nhất chuyển sang Bộ Khoa học - Công nghệ chuyển toàn bộ thành quy chuẩn, hy vọng sẽ sớm ban hành quy định ở lĩnh vực này.
Hiện Bộ Y tế đang áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá, với doanh nghiệp nhập khẩu liên tục 3 lần trong một năm không có vi phạm gì thì chuyển sang kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu và kiểm tra hàng tại kho. Nếu nghi ngờ mới kiểm tra thử nghiệm.
Do đó, thời gian cũng như chi phí kiểm tra một lô hàng giảm mạnh. Bộ cũng chỉ kiểm tra với lô hàng nếu có khuyến cáo của cơ quan y tế nước ngoài. So với trước đây, thời gian kiểm tra trung bình giảm 2/3 so với trước, từ 9,3 ngày xuống còn hơn 5 ngày...
Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, 11 bộ gồm: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19/CP.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu, phải hoàn thành giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%; rà soát, loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý trong quý 2/2018.