16:55 11/07/2019

Eo biển Hormuz, “át chủ bài” của Iran trong xung đột với Mỹ

An Huy

Vì sao Iran thường đem eo biển Hormuz ra dọa mỗi khi căng thẳng với Mỹ gia tăng?

Iran là một trong những quốc gia nằm bên eo biển Hormuz - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Iran là một trong những quốc gia nằm bên eo biển Hormuz - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Eo biển Hormuz giữ vai trò một cửa ngõ đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp dầu lửa thế giới, bởi đây là nơi hơn 1/5 nguồn cung dầu lửa toàn cầu hàng năm phải đi qua.

Các quốc gia sản xuất dầu lửa ở vùng Vịnh - nơi được mệnh danh là "giếng dầu" của thế giới - như Iran, Saudi Arabia, hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - đều phải sử dụng eo biển hẹp này để vận chuyển dầu.

Nói cách khác, Hormuz là con đường chiến lược trên biển để kết nối các quốc gia dầu lửa ở Trung Đông với các thị trường chủ chốt tại khắp các châu lục. Dù chỉ dài khoảng 167 km, và rộng khoảng 33 km ở điểm hẹp nhất, Hormuz là tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới, bởi có những lựa chọn rất hạn hẹp nếu tàu bè không chọn đi qua eo biển này.

Điều này giải thích vì sao Iran - một trong những quốc gia nắm quyền kiểm soát Hormuz - thường sử dụng eo biển này như một công cụ để đe dọa phương Tây mỗi khi căng thẳng gia tăng. Tháng trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào nhằm vào nước này.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, trong năm 2018, bình quân mỗi ngày có 21 triệu thùng đầu được vận chuyển qua eo Hormuz. Số dầu này tương đương khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

EIA gọi Hormuz là một "hiểm lộ biển" (chokepoint) - một eo biển hẹp nằm trên một tuyến đường biển dài được sử dụng nhiều và có ý nghĩa sống còn với an ninh năng lượng thế giới. Nếu một "hiểm lộ biển" bị đóng lại, dù chỉ tạm thời, nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, đẩy giá năng lượng tăng vọt.

Lượng dầu vận chuyển qua Hormuz trong 2018 tương đương khoảng 1/3 tổng lượng dầu được vận tải đường biển. Chưa kể, hơn 1/3 lượng khí hóa lỏng (LNG) được vận tải đường biển của thế giới cũng đi qua eo biển này.

Eo biển Hormuz, “át chủ bài” của Iran trong xung đột với Mỹ - Ảnh 1.

Eo biển Hormuz - Nguồn: Google Maps/Business Insider.

Căng thẳng ở vùng Vịnh giữa Mỹ và Iran leo thang mạnh trong những tháng gần đây, khiến thế giới không ít phen lo ngại dòng dầu vận chuyển qua Hormuz có thể bị chặn lại.

Từ tháng 5 tới nay, đã có 6 tàu chở dầu và một máy bay không người lái (drone) bị tấn công ở eo biển Hormuz hoặc gần khu vực này. Trong diễn biến mới nhất, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 10/7 tìm cách bắt một tàu chở dầu của Anh gần Hormuz để trả đũa việc Anh tuần trước bắt một tàu chở dầu Iran ngoài khơi Gibraltar.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cách đây hơn 1 năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo lên Iran nhằm khiến Tehran mất hết nguồn lực cho chương trình hạt nhân. Theo mục tiêu mà Washington đề ra, xuất khẩu dầu - nguồn "nhựa sống" của Iran - phải giảm về 0.

Đáp trả Mỹ, Iran gần đây tuyên bố vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các nước ký kết còn lại. Theo đó, Iran đã tích trữ lượng hạt nhân làm giàu ở cấp độ thấp nhiều hơn khối lượng cho phép, đồng thời vượt giới hạn về cấp độ làm giàu uranium.

Ngoài ra, Iran cũng dọa sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu bằng cách đóng cửa eo Hormuz. Nếu lời đe dọa này trở thành hiện thực, thì một cú sốc nguồn cung năng lượng sẽ xảy ra với Ấn Độ, Trung Quốc và hàng chục quốc gia khác phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông.

EIA ước tính rằng 76% lượng dầu thô và khí ngưng tụ được vận chuyển qua Hormuz trong 2018 có đích đến là các thị trường ở châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore chiếm 65% lượng dầu thô và khí ngưng tụ đi qua Hormuz.

Đối với Mỹ, tầm quan trọng của eo Hormuz hiện nay đã giảm đi nhiều so với trước kia. Sản lượng dầu thô và khí đốt tăng bùng nổ của Mỹ trong những năm gần đây đã giúp nước này không còn phụ thuộc nhiều như trước vào nguồn cung từ vùng Vịnh.

Theo dữ liệu của EIA, bình quân mỗi ngày trong tháng 3 năm nay, nhập khẩu dầu vào Mỹ từ vùng Vịnh chỉ ở mức 1,05 triệu thùng/ngày, so với mức đỉnh khoảng 3,08 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2003.

Trong cùng khoảng thời gian, sản lượng dầu của Mỹ tăng lên khoảng 12 triệu thùng/ngày, từ mức 7,53 triệu thùng/ngày.