EU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát châu Âu năm 2024
Uỷ ban châu Âu (EC) hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và khu vực eurozone năm 2024 trong bối cảnh lãi suất cao gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, nhưng có một tin vui là lạm phát sẽ giảm còn một nửa so với năm ngoái...
Trong báo cáo kinh tế công bố ngày 15/2, EC dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng 0,8% trong năm nay ở khu vực eurozone và 0,9% ở EU, thấp hơn so với mức dự báo tăng tương ứng 1,2% và 1,3% mà EC đưa ra trong báo cáo vào mùa thu năm ngoái.
Cũng theo EC, tốc độ lạm phát hàng năm ở eurozone sẽ giảm một nửa còn 2,7% trong năm nay, từ mức 5,4% trong năm ngoái, sâu hơn mức dự báo giảm còn 3,2% đưa ra trong lần báo cáo trước.
“Sự phục hồi dự kiến trong năm 2024 sẽ yếu hơn so với những gì được dự báo cách đây 3 tháng. Nhưng đà phục hồi sẽ mạnh dần lên nhờ giá cả tăng chậm lại, tiền lương thực tế tăng, và thị trường lao động khá mạnh”, cao uỷ phụ trách vấn đề kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, nhận định.
Thị trường tài chính đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, có khả tăng vào tháng 4, từ mức cao kỷ lục 4% hiện nay. Tuy nhiên, vào ngày 15/2, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo “chúng tôi cần có thêm niềm tin” rằng lạm phát vẫn trên đà giảm về mục tiêu 2% để có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất.
“Phải cần thêm dữ liệu, phải cần thêm thời gian… Tôi không muốn đưa ra một quyết định vội vã để rồi lạm phát tăng trở lại, và chúng ta lại phải có thêm biện pháp để kiểm soát”, tờ Financial Times dẫn lời bà Lagarde phát biểu trước Nghị viện châu Âu.
EC dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ tăng tốc trong năm 2025, với mức tăng 1,5% ở eurozone và 1,7% ở EU. Đối với năm 2023, số liệu điều chỉnh của EC cho thấy cả eurozone và EU chứng kiến mức tăng trưởng GDP 0,5%, sau khi cả hai khu vực gần như chứng kiến nền kinh tế trì trệ trong quý cuối năm.
Dự báo lạm phát cũng được điều chỉnh giảm do giá năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác giảm nhanh hơn so với sự kiến. EC dự báo lạm phát ở eurozone trong năm 2025 đi ngang ở ngưỡng 2,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mục tiêu của ECB.
EC cảnh báo gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ có thể dẫn tới những cú sốc giá cả, đẩy lạm phát tăng. Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho rằng lãi suất cao còn chưa được phản ánh hết vào lãi suất cho vay thế chấp nhà.
Trong một bài phát biểu vào ngày 15/2 tại Học viện Đại học châu Âu (EUI), ông Lane nói 30% số khoản vay của các hộ gia đình trong eurozone sẽ bị áp lãi suất cao hơn trong 1 năm tới do “sự truyền dẫn vẫn đang tiếp diễn” của lãi suất tăng vào nền kinh tế thực. “Ngày càng có nhiều người đã đi vay vào lúc lãi suất thấp bắt đầu phải đối mặt với lãi suất cao hơn”, ông Lane nói.
Theo vị chuyên gia, đang có những khác biệt lớn giữa các nước châu Âu về tỷ lệ hộ gia đình đối mặt với lãi suất đi vay tăng lên, từ tỷ lệ 10% ở Đức và Pháp cho tới 60-70% ở Italy và Tây Ban Nha.
11 nền kinh tế EU, bao gồm nền kinh tế lớn nhất là Đức, chứng kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) suy giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất, EC cho rằng toàn bộ 27 nền kinh tế thành viên EU sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay.
Doanh nghiệp ở châu Âu đang chật vật thích ứng với môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trong khu vực. Sự hỗ trợ tài chính thời đại dịch Covid đã chấm dứt ở nhiều quốc gia, là một nguyên nhân dẫn tới số vụ phá sản tăng 0,6% trong quý 4/2023 - theo cơ quan thống kê Eurostat của EU.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 0,1% so với quý trước, đánh dấu quý tăng thứ tư liên tiếp.