11:45 17/11/2010

Eurozone trước “miệng vực” sống còn

Diệp Anh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha nhận xét, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang lan như cháy rừng

Khủng hoảng nợ công châu Âu đang đe dọa sự tồn tại của khối.
Khủng hoảng nợ công châu Âu đang đe dọa sự tồn tại của khối.
Bộ trưởng Bộ Tài chính 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm qua (16/11) đã nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) để tìm cách giải cứu Ireland, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang ngày một lan rộng ở châu Âu.

Vài giờ trước cuộc họp, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Van Rompuy đã cảnh báo, EU sẽ không thể tồn tại, nếu không tìm được giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công vốn đã khiến Hy Lạp suy sụp và hiện đang đe dọa Ireland và Bồ Đào Nha.

Ông Rompuy nhấn mạnh, EU đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng sống còn". Theo ông, toàn khu vực phải hợp tác để tiếp tục tồn tại cùng với Eurozone. Tuy nhiên, ông tỏ ra tin tưởng EU sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này.

Eurozone đã rơi vào tình trạng khốn đốn, sau khi Ireland công bố, nước này đang đàm phán với các đối tác trong khối về tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Bong bóng bất động sản đã khiến giá nhà đất ở Ireland sụt tới 60%, đặt hệ thống ngân hàng trị giá 1.800 tỷ USD trước nguy cơ sụp đổ. Ireland cũng là nước vay nợ lớn nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khoảng 177 tỷ USD.

Mức thâm hụt ngân sách của Ireland năm nay dự kiến vượt mốc 30% GDP, cao gấp đôi của Hy Lạp. Do phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, Ireland đang đứng trước áp lực buộc phải tiếp nhận khoản trợ giúp tài chính bên ngoài.

Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán, Ireland sẽ phải sớm đưa ra yêu cầu giúp đỡ. Nếu chấp nhận, Ireland có thể được hỗ trợ khoảng 63-123 tỷ USD. Nguồn vốn có thể đến từ quỹ bình ổn tài chính 750 tỷ USD của châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Người đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, Jean-Claude Juncker cho biết, khối này sẵn sàng hành động "sớm nhất có thể" nếu Ireland tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, Ireland vẫn khẳng định quốc gia này sẽ không theo chân Hy Lạp tìm kiếm các khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp, bất kể Dublin đã liên hệ với một số đối tác quốc tế.

Trong khi đó, Bồ Đào Nha cũng thừa nhận những rủi ro tài chính cao. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha đã tăng lên mức 6,7%. Giống như Ireland, Bồ Đào Nha gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế với chế độ đồng Euro cố định.

Dù Bồ Đào Nha đã huy động đủ tiền từ thị trường trái phiếu, nhưng thâm hụt ngân sách nước này hiện ở mức 9% GDP, cao hơn nhiều so với quy định trần 3% của Eurozone. Nhà đầu tư sợ hãi cuối cùng chính Bồ Đào Nha sẽ hết tiền.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha, Fernando Teixeira dos Santos, mô tả cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang lan nhanh chóng mặt như cháy rừng, và thừa nhận nước ông cũng đang cần sự giúp đỡ. Tuần trước, Bồ Đào Nha cùng với Tây Ban Nha và Ireland đã phải hứng chịu cơn bão tăng lãi suất do các nhà đầu tư lo ngại sự bất ổn của khối.

Tình hình tại Hy Lạp cũng không khá khẩm hơn là bao. Chính phủ nước này mới đây cho biết chỉ có thể giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 9,4%, thay vì mục tiêu 7,8%. Nợ công của Hy Lạp năm 2010 đã cao hơn 144% thu nhập của nước này. Hy Lạp cũng đang chuẩn bị nhận đợt hỗ trợ thứ ba trong gói giải cứu tài chính 150 tỉ USD hồi tháng 5/2010.

Trên thực tế, hiện 24/27 nước thành viên EU đang có mức thâm hụt ngân sách vượt quy định 3% GDP. Với trường hợp của Hy Lạp, Cơ quan thuế vụ EU mới đây đã điều chỉnh thâm hụt ngân sách của Hy Lạp lên 15,4% GDP năm 2009, cao hơn nhiều so với mức 13,6% GDP công bố hồi 7 tháng trước.

Cuối tuần trước, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Eurozone tăng 0,4% so với tháng 9 và tăng tới 1,9% so với tháng cùng kỳ năm 2009. Mặc dù con số này vẫn ở mức quy định của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhưng tỷ lệ lạm phát đã liên tục tăng trong những tháng gần đây cũng là một điều đáng lo.

Trong một diễn biến khác có chiều hướng lạc quan, cán cân thương mại tháng 9 của Eurozone với thế giới đã đạt mức thặng dư 2,9 tỷ Euro, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Hoạt động xuất khẩu của Eurozone tăng trưởng 22% lên 137,1 tỷ Euro, cao hơn mức 112,2 tỷ một năm trước đó. Nhập khẩu cũng tăng trưởng với tốc độ tương tự, đạt 134,1 tỷ Euro. Tính tổng cán cân thương mại 9 tháng đầu năm, châu Âu thâm hụt thương mại 600 triệu Euro.

Phát biểu tại Hội đồng CEO hàng năm ở Washington hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner, bày tỏ sự tin tưởng vào việc châu Âu có thể giải quyết tốt khủng hoảng nợ công. “Tôi nghĩ châu Âu hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề”, ông nói.

Ông cho biết, “trong mùa hè vừa qua, châu Âu đã đưa ra rất nhiều công cụ tài chính để giúp các nước vượt qua khủng hoảng mà họ đang đương đầu.” Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng hối thúc châu Âu cần hành động sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng này.