12:58 04/07/2019

EVFTA và nỗi lo từ hàng rào bên trong

Hà Vũ

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mới nhất là EVFTA không phải đại lộ này đại lộ kia đâu, khi mà vẫn còn những quy định trong nước doanh nghiệp gần như không thể nào tuân thủ được

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mới nhất là EVFTA không phải đại lộ này đại lộ kia đâu, khi mà vẫn còn những quy định trong nước doanh nghiệp gần như không thể nào tuân thủ được, TS.Nguyễn Đình Cung nêu một góc nhìn khác khi EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra con đường cao tốc hướng Tây cho doanh nghiệp Việt.

Trao đổi với báo chí mới đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung khẳng định, điều chắc chắn, các hiệp định thương mại tự do, trong đó mới nhất là EVFTA, khi được thực hiện sẽ mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn.

Mình cứ nói giảm thuế thì thâm nhập được thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra là có vượt qua được các rào cản mà chủ yếu là của chính mình hay không, Viện trưởng CIEM lo ngại.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật, về môi trường, quy định về lao động...thuộc về hàng rào bên ngoài, theo ông Cung thì với nhiều doanh nghiệp, trong những ngành hàng, lĩnh vực hội nhập sâu, như dệt may, thủy sản..., không hề mới, nhiều tiêu chuẩn doanh nghiệp đã vượt qua với ý thức rất rõ về cơ hội thị trường.

Viện trưởng CIEM cho biết ông cũng không lo lắng nhiều về các hàng rào kỹ thuật này, vì dù có khó khăn, thì chúng cũng được công bố công khai, doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao... Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ để nắm rõ các quy định này, từ đó có kế hoạch và chi phí tuân thủ.

Điều đặc biệt đáng lo, theo ông Cung nằm ở hàng rào bên trong, vì nhiều quy định của Việt Nam còn "tệ hại" hơn hàng rào của EU, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không.

Và, khi các doanh nghiệp trong nước không dám chắc chắn về việc thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc bị các nhà nhập khẩu thổi còi hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng là rất lớn.

Ví dụ như các quy định về làm thêm giờ, quy định về tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng thủy sản... dù nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần là không phù hợp, quá cao so với điều kiện của Việt Nam, ngặt nghèo hơn các nước trong khu vực..., nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa có điều chỉnh phù hợp.

Một điển hình được Viện trưởng CIEM đề cập là câu chuyện xử lý nước thải chế biến thuỷ sản, đặc biệt là quy định về ngưỡng của chỉ tiêu phospho trong lĩnh vực này.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) trong một văn bản gửi đến Thủ tướng đã nêu thực tế có đến 90% các nhà máy chế biến thuỷ sản sau thanh kiểm tra đều bị kết luận là "vi phạm" và bị phạt nặng vì không thể đáp ứng nổi các chỉ tiêu theo quy định, nhất là chỉ tiêu về phospho.

Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu thủy sản mạnh trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan lại không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp chế biến thuỷ sản hoặc quy định cho phép ở ngưỡng cao hơn.

Thế nhưng, qua nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, phản ánh, họp hành với nhiều bên khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

Từ ví dụ này và rất nhiều ví dụ khác nữa đang hàng ngày hàng giờ làm khó doanh nghiệp Việt, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, khi các hàng rào bên trong, cụ thể là các điều kiện kinh doanh, tư duy về quản lý chuyên ngành không được gỡ bỏ, thì các nỗ lực dồn dập của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các FTA tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực.

Quan trọng vẫn là cải cách môi trường kinh doanh, cải cách tư duy về quản lý chuyên ngành, phải cởi cho doanh nghiệp ở tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, và chỉ cần như thông lệ quốc tế, chỉ cần như đối thủ cạnh tranh chứ không cần hạ thấp tiêu chuẩn, ông Cung nhấn mạnh.