08:05 18/11/2017

Facebook nếu có làm sai sao lại chỉ “vỗ vai”?

Nguyên Vũ

Đại biểu Vũ Trọng Kim tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

Đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

"Bác Google" hay "chú Facebook" nếu có làm sai thì cần có biện pháp chứ không chỉ vỗ vai trách móc, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nêu quan điểm, khi ông được mời tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên chất vấn chiều 17/11.

Hoang mang vì "áp đảo"

Trước đó, trả lời các chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... và sự hợp tác bước đầu có kết quả khả quan.

Ông cũng đánh giá sự hợp tác của Google thì tốt hơn của Facebook. Và trong một cuộc gặp mới đây thì Bộ trưởng đã "có ý trách móc Facebook".

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp như phiên chất vấn này mà Bộ trưởng nói như thế là không phù hợp. "Bác Google" hay "chú Facebook" nếu có làm sai thì cần có biện pháp chứ không chỉ vỗ vai trách móc như Bộ trưởng nói.

Nội dung thứ hai đại biểu Vũ Trọng Kim có ý kiến với Bộ trưởng liên quan đến hai từ "áp đảo" khi Bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) là liệu thông tin trên mạng xã hội có lấn át thông tin từ "báo chí chính thống" của Việt Nam hay không?

Trả lời đại biểu Xuân, Bộ trưởng cho rằng nói lấn át là gần đúng, vì thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt nhưng tốc độ lớn, áp đảo, tuy nhiên người dân vẫn thấy thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, nghe Bộ trưởng nói mạng xã hội "áp đảo" thì ông thấy hoang mang, sợ rằng người khác cũng hoang mang. Vì không biết áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí cách mạng?

"Nếu quả thật như thế thì chủ quyền về mặt 4T (thông tin - truyền thông) này phải xem lại", ông Kim bày tỏ chính kiến.

Hồi âm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không đề cập đến "phê bình" của đại biểu Kim về "trách móc Facebook". Còn về nhận xét "áp đảo", Bộ trưởng nhắc lại nội dung lúc trả lời đại biểu Xuân, ông cũng hơi băn khoăn là không biết có nói nhầm không, nhưng ông có nói, đa số người dân vẫn tin ở thông tin từ báo chí.

Quy hoạch báo chí có tính tới đặc thù

Trả lời đại biểu Phan Viết Lượng về đề án quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tháng 9/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025, đề nghị các cơ quan chủ quản tổ chức sắp xếp lại cơ quan báo chí trực thuộc của mình theo hướng quy hoạch đã được Trung ương duyệt.

Thời gian qua nhiều cơ quan chủ quản đã tích cực triển khai. Riêng tại Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 8 cơ quan báo chí đã giảm về còn 3 (2 báo, 1 tạp chí). Theo quy hoạch, cấp bộ chỉ có một báo, một tạp chí và hiện đang sắp xếp lại.

Song, theo Bộ trưởng thì đề án quy hoạch báo chí cũng sẽ tính tới yếu tố đặc thù, nhất là với các cơ quan báo chí có lượng độc giả đông.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu sớm hoàn thiện đề án trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ đã chỉnh sửa đề án trên theo hướng quy hoạch phù hợp với Luật Báo chí, đã hoàn thiện lại để tới đây trình Thủ tướng trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban bí thư.

Theo Bộ trưởng thì ngoài theo định hướng quy hoạch, cơ quan quản lý còn đánh giá theo tôn chỉ, mục đích, xem xét lại hết toàn bộ tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí ghi trong giấy phép để làm căn cứ tiến hành sắp xếp quy hoạch, cho đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và giảm số lượng các cơ quan báo chí không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, có những sai phạm.