12:06 01/02/2024

FPT, GVR đột biến, khối ngoại mua thỏa thuận lớn PNJ

Kim Phong

Thị trường phục hồi trở lại sau phiên xả lớn hôm qua dù thanh khoản đã sụt giảm khoảng 45%. Cổ phiếu ngân hàng cũng đang xanh trở lại nhưng không phải là các trụ mạnh, giao dịch cũng chỉ bằng một phần ba phiên trước. Nhóm cổ phiếu tầm trung vẫn đang đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số...

Tổng thanh khoản sáng nay giảm nhiều nhưng các mã nhận được dòng tiền tốt chủ yếu vẫn tăng giá.
Tổng thanh khoản sáng nay giảm nhiều nhưng các mã nhận được dòng tiền tốt chủ yếu vẫn tăng giá.

Thị trường phục hồi trở lại sau phiên xả lớn hôm qua dù thanh khoản đã sụt giảm khoảng 45%. Cổ phiếu ngân hàng cũng đang xanh trở lại nhưng không phải là các trụ mạnh, giao dịch cũng chỉ bằng một phần ba phiên trước. Nhóm cổ phiếu tầm trung vẫn đang đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số.

VCB là trụ ngân hàng duy nhất đáng kể trong việc nâng đỡ VN-Index, không phải vì mức tăng mạnh – giá chỉ tăng 1,2% - mà là nhờ vốn hóa lớn nhất thị trường. Toàn nhóm ngân hàng trên các sàn chỉ có 12/27 mã tăng giá. Ngoài VCB, có LPB tăng 2,55%, VBB tăng 1,94%, PGB tăng 1,52%, VAB tăng 1,35% là đáng kể nhưng thanh khoản cũng rất hạn chế.

GVR sáng nay nổi lên là cổ phiếu mạnh nhất nhóm VN30 cũng như toàn thị trường khi tăng kịch trần 6,92%. Mã này vốn hóa đứng thứ 15 trong chỉ số VN-Index. Dòng tiền vào mã này rất mạnh, mới phiên sáng đã khớp lệnh tăng 34% so với cả ngày hôm qua, đạt 5,47 triệu cổ và 128,2 tỷ đồng giá trị. Biên độ tăng lớn này đẩy giá GVR vượt đỉnh tháng 9 năm ngoái và lên mức cao nhất 9 tháng. Hiện GVR vẫn đang có dư mua giá trần hơn 1,89 triệu đơn vị.

FPT cũng là mã đột biến, đứng thứ 3 trong nhóm kéo điểm số sáng nay khi tăng 3,13%. FPT đang giao dịch nhiều nhất thị trường với gần 5,09 triệu cổ tương ứng 500,6 tỷ đồng giá trị. Tuy nhiên FPT không có sự đột biến như GVR, giá mới quay trở lại đỉnh lịch sử hồi tháng 9 năm ngoái. Lực bán ở FPT cũng đang kiềm chế giá khi biên độ tăng cao nhất của mã này sáng nay là +3,87% so với tham chiếu. FPT hiện đang đứng thứ 10 về vốn hóa trong chỉ số VN-Index.

Nhóm blue-chips VN30 có thêm SAB tăng 1,24%, MWG tăng 2,56%, HPG tăng 1,08% và VNM tăng 1,04% là mạnh đáng kể. Các cổ phiếu này đều thuộc Top 10 mã kéo điểm tốt nhất cho chỉ số sáng nay. Đáng tiếc là các trụ còn lại kém, BID giảm 0,63%, VIC giảm 0,82%, VPB giảm 1,03%, còn GAS, CTG tăng yếu.

Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,49% với 19 mã tăng/9 mã giảm. Dù số lượng tăng áp đảo nhưng điểm số không mạnh nghĩa là biên độ tăng hạn chế ở phần lớn cổ phiếu. Tuy vậy lực kéo ở nhóm này vẫn là động lực chính giúp VN-Index có phiên phục hồi. Trong 10 mã kéo điểm hàng đầu, duy nhất LPB là không thuộc VN30.

FPT, GVR đột biến, khối ngoại mua thỏa thuận lớn PNJ - Ảnh 1

Việc các mã lớn duy trì được trạng thái tích cực ở chỉ số đã tạo điều kiện cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có cơ hội giao dịch sôi động hơn. Độ rộng sàn HoSE rất tốt với 258 mã tăng/160 mã giảm. Chỉ số Midcap tăng 0,7%, Smallcap tăng 0,73%. Toàn sàn HoSE đang có 95 mã tăng trên 1% thì VN30 chỉ đóng góp 7 mã. Trừ GVR, các giao dịch tăng giá mạnh nhất đều là các cổ phiếu tầm trung với thanh khoản trung bình: HHS kịch trần với 57,4 tỷ đồng thanh khoản; VSC tăng 4,88% với 77,9 tỷ; PAN tăng 4,26% với 44,1 tỷ; SZC tăng 4,23% với 62,2 tỷ; ELC tăng 3,95% với 19,9 tỷ; DPR tăng 3,34% với 17,1 tỷ; TCH tăng 3,03% với 125,5 tỷ… Trong tổng nhóm tăng hơn 1% này, có 7 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên, 20 mã khác giao dịch trong khoảng 20 tỷ tới 90 tỷ đồng. Tính chung nhóm này chiếm 43,6% tổng khớp sàn HoSE.

Nhóm giảm giá sáng nay không có nhiều mã chịu áp lực rõ rệt. Nhà đầu tư có vẻ đã dừng xả sau phiên hôm qua. HoSE hiện chỉ có 36 mã giảm trên 1% với 2 cổ phiếu duy nhất giao dịch khá cao là ST8 giảm 4,39% với 54 tỷ đồng và VPB giảm 1,03% với 59,6 tỷ, số còn lại chỉ khớp vài tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài đang mua bán khá cân bằng trên tổng thể, mức ròng ở HoSE khoảng +101,2 tỷ đồng. Tuy nhiên khối này mua ròng thỏa thuận PNJ tới 293,3 tỷ. Trên sàn khớp lệnh, PNJ giao dịch không có gì đặc biệt với giá giảm 0,11% và thanh khoản chỉ đạt 73,4 tỷ đồng, trong khi tổng thỏa thuận tới 444,2 tỷ đồng. Ngoài PNJ, chỉ có MWG +54 tỷ và HPG +32,5 tỷ là đáng kể. Phía bán ròng có VRE -39,6 tỷ, VHM -34,7 tỷ, VIC -23,2 tỷ, VPB -22,1 tỷ, STB -22 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -28,6 tỷ.