06:00 19/12/2012

Gần 1 triệu người thất nghiệp

Dũng Hiếu

Những tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong nước không cao

Tính đến 1/10/2012, cả nước có 984 nghìn người thất nghiệp và 1.369 nghìn người thiếu việc làm.
Tính đến 1/10/2012, cả nước có 984 nghìn người thất nghiệp và 1.369 nghìn người thiếu việc làm.
Gần 1 triệu người thất nghiệp bởi nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả bức tranh lao động việc làm được Tổng cục Thống kê đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả điều tra lao động việc làm 2012 diễn ra tại Hà Nội ngày 18/12/2012.

Theo ghi nhận của Báo cáo, những tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong nước không cao, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của quý 1/2012 cao hơn chút ít so với quý 3 và quý 4/2011 (3,46% so với 3,43% và 2,99%).

Bà Phan Thị Minh Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Dân số lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, điều này được lý giải là do trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, đời sống của người dân chưa cao, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp lâu dài, họ chấp nhận làm một công việc nào đó, thường là trong khu vực phi chính thức với mức thu nhập thấp, bấp bênh để nuôi sống bản thân và gia đình.

Tính đến 1/10/2012, cả nước có 984 nghìn người thất nghiệp và 1.369 nghìn người thiếu việc làm. Trong đó, người thiếu việc làm ở nông thôn là 1.100 nghìn người cao hơn số người thiếu việc làm tại thành thị rất nhiều (246 nghìn người). Số người thất nghiệp ở khu vực thành thị là 494 nghìn, khu vực nông thôn là 459 nghìn người (tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn là 1,9%).

Tại các tỉnh trong thành phố cả nước thì, Tp.HCM đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp với mức 3,9%. Đồng bằng sông Cửu Long (không tính Tp.HCM) và Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc ở mức thấp nhất, gần 0,8%.

Trong 9 tháng qua cũng ghi nhận số lao động trẻ - tuổi từ 15-24 bị thất nghiệp khá cao, chiếm tới 46,8% trong tổng số thất nghiệp, tỷ trọng này ở khu vực thành thị là 38,1% và ở khu vực nông thôn là 56,2%. Trong đó, số người thiếu việc làm từ 15-24 tuổi chỉ chiếm 24,2% trong tổng số người thiếu việc làm và không có sự khác biệt nhiều giữa thành thị và nông thôn.

Theo cảnh báo của ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với kết quả này cho thấy thất nghiệp trong thanh niên và phụ nữ đang trở thành vấn đề mà xã hội đáng phải quan tâm bởi thanh niên và phụ nữ là những nhóm lao động được xem là dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường lao động.

Trong vòng 3 quý vừa qua, số người có việc làm được ghi nhận là tăng thêm 1,1 triệu đồng thời lực lượng lao động Việt Nam cũng tăng với con số tương tự. Tính đến thời điểm 1/10/2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, bao gồm 52,1 triệu người có việc làm. Gần 70% lực lượng lao động thuộc khu vực nông thôn. Về cơ cấu lao động, số liệu cũng cho thấy, Tp.HCM có cơ cấu kinh tế phát triển cao nhất với 97,2% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Ở khu vực miền núi và ven biển, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và thủy sản còn khá cao, con số này ở Tây Nguyên là 70,8%, Trung du và miền núi phía Bắc là 69,9% và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 55,4%.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế, bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong vấn đề lao động việc làm với 2,5% phụ nữ không có việc làm, so với 1,7% nam giới. Tìm việc đồng thời là vấn đề lớn đối với thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 bởi nhóm này chiếm tới 47% tổng số người thất nghiệp.

Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kể từ năm 2013, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện và công bố Báo cáo Điều tra lao động theo từng quý với sự giúp đỡ của ILO “Các phiếu điều tra và báo cáo sẽ được thực hiện theo các phương pháp và cách tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế”, ông Đỗ Thức cho biết.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)