07:18 21/03/2024

Gemadept đã chuyển nhượng toàn bộ Cảng Nam Hải, ước tính thu về 200 tỷ đồng

Hà Anh

Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 Teus, là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc...

Cảng Nam Hải.
Cảng Nam Hải.

Công ty Cổ phần GEMADEPT (mã GMD-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Cảng Nam Hải.

Theo đó, ngày 15/3, Công ty cổ phần Gemadept đã ký hợp đồng với đối tác chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải theo Nghị quyết HĐQT số 147/NQ-HĐQT-GMD ngày 31/10/2023 về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Nam Hải.

Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 Teus, là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc. Được thành lập năm 2009, Cảng Nam Hải có đầy đủ chức năng cảng, cửa khẩu quốc tế để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Ngoài ra, cảng Nam Hải còn cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín gồm dịch vụ Depot, vận chuyển đa phương thức door to door bằng sà lan, đầu kéo, khai thác kho bãi, hàng rời, dịch vụ hải quan...

Trong báo cáo nhập nhất mới về cổ phiếu GMD của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết đầu tháng 11, GMD vừa công bố nghị quyết về việc sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ tại CTCP Cảng Nam Hải (tương đương 99.98% vốn cổ phần của CTCP Cảng Nam Hải). Công ty cho biết đang làm việc với đối tác tiềm năng và vẫn kì vọng sẽ hoàn thành thương vụ thoái vốn này trong năm nay.

Theo KBSV ước tính, việc chuyển nhượng vốn cảng Nam Hải và Nam Hải ICD sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận cho GMD, bổ sung nguồn tiền cho công ty tập trung đầu tư phát triển mở rộng các cảng lớn như các dự án mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.

Công ty cũng đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cao su ở Campuchia và các dự án bất động sản Saigon Gem, Gemadept Vientiane, mục tiêu dồn toàn lực tập trung vào hoạt động cốt lõi. Ngày 14/3 vừa qua, GMD thông báo nhận được thông báo hoàn tất giải thể chi nhánh GMD tại Campuchia.

Sau khi thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải, ở khu vực phía Bắc, Gemadept còn sở hữu hai cảng là Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải. Tại phía Nam, Gemadept còn có hai cảng container là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay và 1 cảng ICD Phước Long; ngoài ra cảng Dung Quất là cảng hàng rời duy nhất trong hệ thống cảng của Gemadept.

Về kết quả kinh doanh, GMD ghi nhận doanh thu quý 4/2023 đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động khai thác cảng vẫn đóng vai trò mảng kinh doanh cốt lõi với 824 tỷ đồng đóng góp 80% cho tổng doanh thu GMD.

Lũy kế cả năm 2023, Gemadept ghi nhận doanh thu 3.846 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 98% doanh thu kế hoạch 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 2.502 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước (1.161 tỷ đồng).

KBSV cho biết, đà tăng trưởng sản lượng hàng qua cảng GMD từ đầu 2023 đến nay dự kiến tiếp tục duy trì trong thời gian tới với động lực đến từ: một là, triển vọng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu, hai là, dự án nâng cấp luồng hàng hải tại khu vực cảng Nam Đình Vũ dự kiến hoàn thành vào tháng 6 tới và cuối cùng là GMD liên tục thu hút được các tuyến tàu mới về cảng.

Ngoài ra, GMD còn được hưởng lợi khi giá dịch vụ cảng GMD có thể tăng đến 10% trong 2024 với mức tăng cao hơn cho khối cảng miền Nam. Thông tư 39/2023/TT-BGTVT về nâng giá sàn dịch vụ cảng biển Việt Nam sẽ tác động mạnh hơn tới khu vực cảng phía Nam của GMD, trong 2024 mức tăng giá dịch vụ ở miền Bắc dự kiến sẽ ở mức 2 – 3% trong khi mức giá dịch vụ cảng ở miền Nam có thể tăng từ 5 – 10%.

Qua đó, dựa trên triển vọng doanh nghiệp và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị "mua" đối với cổ phiếu GMD với mức giá mục tiêu là 94.000 đồng/cổ phiếu. Còn chốt phiên ngày 20/3, giá cổ phiếu này tăng lên 78.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,3% so với phiên trước đó và tăng 8,8% so với thị giá hồi đầu năm.