00:13 28/10/2018

Giá cổ phiếu lao dốc, ngân hàng Việt vẫn kỳ vọng vốn ngoại

Hoàng Vũ

Giá cổ phiếu lao dốc đặt ra tình huống khác nhau tại những ngân hàng có kế hoạch gọi vốn ngoại

Bối cảnh thị trường chứng khoán xấu đi, nhưng những thành viên tìm vốn này đều có thuận lợi từ kết quả kinh doanh tiếp tục khởi sắc sau 9 tháng đầu năm 2018 - Ảnh: Quang Phúc.
Bối cảnh thị trường chứng khoán xấu đi, nhưng những thành viên tìm vốn này đều có thuận lợi từ kết quả kinh doanh tiếp tục khởi sắc sau 9 tháng đầu năm 2018 - Ảnh: Quang Phúc.

Đến cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 7 phiên giảm mạnh liên tiếp. Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, đà lao dốc diễn ra trong bối cảnh một số thành viên tính toán kế hoạch gọi vốn ngoại.

Trên sàn niêm yết, hiện có bốn ngân hàng thương mại đã và đang lên kế hoạch chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, gồm: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank).

Trong đợt suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam gần một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng như bốn thành viên trên đã giảm mạnh. Diễn biến này đặt ra những tình huống khác nhau với họ.

Mới nhất, VPBank vừa cho biết, trước những diễn biến của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, ban lãnh đạo ngân hàng đã quyết định lùi kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ sang thời điểm khác phù hợp hơn và có thể mang lại hiệu quả cao hơn cho ngân hàng.

Trên sàn, giá cổ phiếu VPB của VPBank đã giảm mạnh trong thời gian qua, liên tiếp tạo đáy mới trong lịch sử niêm yết.

Trong khi đó, giá cổ phiếu giảm mạnh lại được xem là một "điều kiện tốt" để Vietcombank có thể triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 18/10 vừa qua, Vietcombank đã công bố thông tin, cơ bản hoàn tất các thủ tục với các nhà quản lý để triển khai kế hoạch. Giá cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng suy giảm mạnh trong thời gian qua, cũng như tại thời điểm chuẩn bị chào bán này.

Theo quy định từ nhà quản lý, cũng như cơ chế xác định giá, giá bán cổ phần của Vietcombank trong kế hoạch trên không được thấp hơn giá định giá và không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên trên sàn liền kề ngày nhà đầu tư thông báo mua.

Hai năm qua, lãnh đạo ngân hàng này từng giải thích, giá cổ phiếu giao dịch trên sàn tăng cao lại chính là một trở ngại khiến kế hoạch phát hành khó khả thi. Nay, với diễn biến giá giảm sâu, cùng các thủ tục pháp lý cơ bản hoàn tất, mức giá cổ phiếu VCB trở nên hấp dẫn hơn so với trước để họ có thể triển khai kế hoạch ngay trong tháng 11 tới. Dù vậy, kết quả phát hành vẫn là một ẩn số.

Tương tự Vietcombank, BIDV cũng đang trong quá trình xúc tiến kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn. Hiện BIDV chưa công bố các thông tin thủ tục như Vietcombank đã thực hiện. Chuyển động gần nhất ở Hội đồng Quản trị BIDV là việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với thời điểm kết thúc vào 30/10 này.

Trên sàn, BID là cổ phiếu ngân hàng có đợt phục hồi ấn tượng nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10 này, nhưng cũng lao dốc nhanh trong những phiên suy giảm chung của thị trường gần đây.

Trong khi đó, HDBank đang dự tính mở ra một hướng đi mới: gọi vốn qua phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài - điều mà đã nhiều năm qua chưa ngân hàng thương mại nào của Việt Nam làm được.

Cụ thể, HDBank dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 3.000 trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư nước ngoài với mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu, tổng giá trị tối đa lên tới 300 triệu USD; dự kiến phát hành trong năm 2018 hoặc đầu năm 2019, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Là thành viên mới niêm yết, giá cổ phiếu HDB của HDBank từng vượt mốc 50.000 đồng/cổ phiếu kỳ cao điểm của thị trường tháng 4/2018. Tuy nhiên, như diễn biến chung, giá HDB cũng liên tục giảm nhanh và chốt tuần qua còn 34.400 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm này, với quy mô tới 300 triệu USD cùng cách thức huy động qua trái phiếu chuyển đổi, kế hoạch gọi vốn ngoại của HDBank đáng chú ý hơn cả, lại được gây dựng tại thời điểm thị trường chứng khoán trong và ngoài nước có diễn biến xấu đi.

Có điểm chung về bối cảnh thị trường, về đà lao dốc của giá cổ phiếu, nhưng kế hoạch gọi vốn ngoại của bốn ngân hàng thương mại trên là bốn câu chuyện khác nhau. Và họ có điểm chung: kết quả và triển vọng kinh doanh tiếp tục tạo ấn tượng sau 9 tháng đầu năm 2018.

Sau năm bùng nổ của thị trường chứng khoán và làn sóng thu hút vốn ngoại nổi bật trong 2017, đến nay, sức hấp dẫn của ngân hàng Việt đang tập trung ở bốn kế hoạch đại diện trên. Tuy nhiên, sự nổi tiếp về tính khả thi và mức độ thành công vẫn còn ở phía trước.