08:28 29/10/2019

Giá dầu giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi tăng liên tiếp 4 phiên trong tuần trước

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi tăng liên tiếp 4 phiên trong tuần trước và đạt mức cao nhất gần 1 tháng.

Tuần trước, giá dầu được hỗ trợ mạnh bởi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ sụt giảm. Tuy nhiên, giới phân tích hiện dự báo rằng báo cáo tuần này có thể cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng nửa triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/10. Dự báo này gây áp lực giảm lên giá "vàng đen" trong phiên đầu tuần.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 12 tại thị trường New York giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 55,81 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London giảm 0,42 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 61,57 USD/thùng.

Vào hôm thứ Sáu, giá dầu WTI đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ hôm 24/9, chốt tuần với mức tăng 5,2%. Giá dầu Brent cũng đạt mức chốt cao nhất kể từ 26/9 và tăng 4,4% trong cả tuần.

Gây áp lực giảm giá lên dầu trong phiên đầu tuần còn có thống kê từ Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9, khi chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tiếp tục trượt giảm. Dữ liệu này cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung đối với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn được nâng đỡ phần nào bởi phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Trung Quốc sớm hơn kế hoạch.

"Trong thời gian tới, nếu đàm phán thương mại tiếp tục có bước tiến và hai bên đạt thỏa thuận một phần, tâm lý trên thị trường sẽ được cải thiện nhiều", nhà phân tích Warren Patterson của ING nhận định với hãng tin Reuters.

Số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes hôm thứ Sáu cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm 17 giàn, còn 696 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Việc Mỹ giảm hoạt động khoan dầu cũng là một nhân tố hỗ trợ giá dầu, bởi sản lượng dầu tăng bùng nổ của Mỹ trong những năm gần đây đã gây sức ép giảm mạnh lên giá "vàng đen".

Tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, tại cuộc họp vào đầu tháng 12 - nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.

"Sự suy giảm hoạt động khoan tìm dầu của Mỹ đến hiện tại chưa được phản ánh qua tăng trưởng sản lượng chậm lại, nhưng đây có lẽ chỉ là vấn đề thời gian", ông Fritsch nói.

Năm nay, sản lượng dầu của Mỹ đã vượt mức 12 triệu thùng/ngày, đưa nước này vượt Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.