Giá dầu tăng mạnh sau vụ tấn công mỏ dầu Saudi Arabia
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lạc quan khi chứng kiến các nền kinh tế hàng đầu thế giới “rục rịch” có các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau vụ tấn công vào cuối tuần nhằm vào một mỏ dầu của Saudi Arabia. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lạc quan khi chứng kiến các nền kinh tế hàng đầu thế giới "rục rịch" có các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, ứng phó với nguy cơ giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,1 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,9%, đạt 59,74 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 1,34 USD/thùng, tương đương tăng hơn 2,4%, đạt 56,21 USD/thùng.
Hôm thứ Bảy, phiến quân Houthi ở Yemen đã dùng thiết bị bay không người lái (drone) tấn công vào một mỏ dầu ở miền Đông của Saudi Arabia, gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy khí đốt. Vụ việc này làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông, nhưng công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco cho biết hoạt động sản xuất tại mỏ dầu bị tấn công không bị ảnh hưởng.
"Có vẻ như thị trường dầu lại đang phản ánh rủi ro địa chính trị sau vụ tấn công mỏ dầu vào cuối tuần ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, sự tăng giá dầu vì lý do này có thể không kéo dài nếu vụ tấn công không gây ra sự gián đoạn nguồn cung nào", nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc UBS nhận xét với hãng tin Reuters.
Căng thẳng giữa Iran với phương Tây có vẻ như đã lắng dịu sau khi Gibraltar phóng thích con tàu chở dầu Iran mà vùng lãnh thổ thuộc Anh này bắt giữ hồi tháng 7. Con tàu hiện đang di chuyển về hướng Hy Lạp, trong khi Tehran cảnh báo Mỹ và đồng minh không nên tìm cách bắt thêm tàu bè nào của Iran.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: MarketWatch.
Sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu nhờ hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ vào cuộc cứu tăng trưởng kinh tế là một nhân tố quan trọng khác giúp dầu tăng giá phiên đầu tuần. Trong tuần trước, dầu và chứng khoán cùng bị bán tháo vì nỗi lo suy thoái kinh tế dâng cao.
Hôm thứ Bảy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố một đợt cải cách lãi suất quan trọng nhằm giúp lãi suất vay vốn giảm xuống cho các doanh nghiệp. Ngày Chủ nhật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng Chính phủ nước này có thể tăng chi tiêu thêm 50 tỷ Euro, tương đương 55 tỷ USD.
"Nguy cơ suy thoái toàn cầu đã bị nói quá lên, và thị trường đã bắt đầu nhận ra điều này", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.
Ngoài ra, dấu hiệu về sự dịu đi đôi chút của thương chiến Mỹ-Trung cũng hỗ trợ thêm cho giá "vàng đen".
Tín hiệu này đến từ việc Chính phủ Mỹ gia hạn 90 ngày giấy phép chung tạm thời cho phép hãng công nghệ Trung Quốc Huawei được tiếp tục mua công nghệ và linh kiện của Mỹ để phục vụ các thiết bị đã bán cho khách hàng từ trước.
Mặc dù vậy, mức tăng của giá dầu trong phiên này bị hạn chế bởi một báo cáo bi quan từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong báo cáo được công bố ngày 19/8, OPEC dự báo nhu cầu dầu của thế giới chỉ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong 2019, giảm 40.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước. Tổ chức này cũng cho rằng thế giới sẽ rơi vào tình trạng dư thừa dầu trong năm 2020.