Giả định giá dầu 45 USD/thùng, PV GAS dự kiến lợi nhuận 8.795 tỷ đồng năm 2021
Dựa trên kịch bản giá dầu 45 USD/thùng, tỷ giá 23.500 USD/VND, PV GAS dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm gần 12%, đạt 8.795 tỷ đồng
Ngày 16/4, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - mã GAS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại Tp.HCM.
Theo PV GAS, trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, đặc biệt sản phẩm khí của PV GAS cung cấp cho sản xuất điện và công nghiệp giảm đáng kể.
Giá dầu và giá CP (hợp đồng) của LPG (khí hoá lỏng) giảm từ tháng 2, liên tục giảm sâu trong tháng 3, 4/2020 và duy trì mức thấp so với giá kế hoạch. Giá dầu Brent trung bình năm khoảng 41 USD/thùng (bằng 68% giá kế hoạch); giá CP trung bình năm khoảng 395 USD/tấn (bằng 94% giá kế hoạch).
Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc PV GAS, cho biết trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2020, công ty gặp nhiều bất lợi. Sản lượng từ nguồn khí Nam Côn Sơn suy giảm mạnh so với năm 2019, đặc biệt sự cố dừng cấp khí Lô 11.2 kéo dài từ đầu tháng 03 đến đầu tháng 8/2020…
Tuy nhiên, PV GAS đã nỗ lực đưa vào vận hành chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 góp phần bổ sung đáng kể lượng khí giảm ở khu vực Đông Nam Bộ. Đã cung cấp gần 8,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và kinh doanh trên 1,9 triệu tấn LPG và về đích trước kế hoạch 3 tháng; sản xuất và cung cấp trên 58 ngàn tấn condensate, vượt kế hoạch 6%. PV GAS tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng trên 62% thị phần LPG cả nước.
Kết thúc năm tài chính 2020, PV GAS ghi nhận tổng doanh thu 65.636 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 9.978 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 doanh thu giảm 14,5% và lợi nhuận giảm 34%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,6% về còn 17,8%. Cổ tức năm 2020 là 30%.
Trong năm qua, công ty đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với Vinacapital, làm việc với VinaCapital về hợp tác đầu tư hạ tầng cấp khí LNG cho nhà máy điện Long An 1, 2; ký MOU với nhà máy điện PM3 - BOT về việc cung cấp và tiêu thụ LNG…
Ngoài ra, việc thu hồi nợ đối với các khoản nợ quá hạn của công ty ít tiến triển và gặp nhiều khó khăn (Tổng công ty tư vấn thiết kế dầu khí, Công ty CP SX-DVTM Thành Tài - Long An, Công ty CP Phát triển đô thị dầu khí). Đối với các khoản nợ phải thu khó đòi, PV GAS trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, thường xuyên có văn bản đôn đốc các đơn vị thanh toán trả nợ.
Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, công ty triển khai các thủ tục để thoái vốn tại PV Pipe và Gas South, nhận chuyển nhượng 20% phần vốn của PVE tại hợp đồng hợp tác kinh doanh tòa nhà PV GAS Tower, giải thể LNG Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận phương hướng và chủ trương đầu tư vốn tại PETEC.
Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020, HĐQT PV GAS trình cổ đông kế hoạch kinh doanh dự kiến năm 2021.
Theo đó, PV GAS đặt kế hoạch sản lượng khí vào bờ là 9.756 triệu m3, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ là 9.475 triệu m3. Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên kịch bản giá dầu là 45 USD/thùng và tỷ giá là 23.500 USD/VND.
Tổng doanh thu là 70.169 tỷ đồng, tăng gần 7% và lợi nhuận trước thuế là 8.795 tỷ đồng, giảm gần 12% so với thực hiện trong năm 2020. Cổ tức dự kiến chia là 25%.
Bên cạnh một số thuận lợi, PV GAS dự kiến sẽ gặp một số khó khăn, đó là xuất hiện đơn vị ngoài tập đoàn cung cấp LNG (Công ty Năng lượng Hải Linh) sẽ cạnh tranh trực tiếp với hoạt động cung cấp khí của PV GAS. PVN giao/chấp thuận kế hoạch sản lượng khí cho PV GAS ở mức cao...
Thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung (Hyosung, Pacific Petro); Sản xuất ống thép, bọc ống chưa tìm được dự án lớn/kế hoạch cụ thể triển khai…
Tuy nhiên, ông Dương Mạnh Sơn, cho rằng hiện nay, với trữ lượng dầu và khí của Việt Nam đã khai thác hết 50% và còn 50%, trong đó tiềm năng về khí còn tới 65 - 70% trong trữ lượng dầu và khí còn lại. Tương lai ngành khí trong nước vẫn còn khá triển vọng.
PV GAS hoạt động trong trung và hạ nguồn, thượng nguồn chủ yếu mua ở trong nước. Trong tương lai, doanh nghiệp có thể nhập khẩu LNG để bổ sung vào nguồn khí trong nước đáp ứng nhu cầu. Cơ chế nhập khẩu sẽ tính theo giá thị trường và phụ thuộc vào điều kiện thị trường từng thời điểm và chiến lược tồn kho.