15:00 03/12/2018

Gia tăng giá trị cho nông nghiệp từ mô hình kinh doanh bền vững

Thùy Linh

Sau nhiều năm phát triển tốt sản phẩm nước ngọt, năm 2005, PepsiCo đã quyết định đưa vào hoạt động mảng snack ở thị trường Việt Nam

Trong kế hoạch phát triển dự án 2 giống khoai tây FL2215, FL2027 của PepsiCo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, cho phép sản xuất trong thương mại.
Trong kế hoạch phát triển dự án 2 giống khoai tây FL2215, FL2027 của PepsiCo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, cho phép sản xuất trong thương mại.

Xuất phát từ nhu cầu về chuỗi cung ứng khoai tây nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chủ lực là khoai tây Poca, PepsiCo Foods Việt Nam đã tìm về với người nông dân để rồi sau hơn 10 năm gắn bó, một mô hình kinh doanh bền vững đã hình thành và phát huy hiệu quả.

Cùng nhau học hỏi và vượt qua thử thách...

Sau nhiều năm phát triển tốt sản phẩm nước ngọt, năm 2005, PepsiCo đã quyết định đưa vào hoạt động mảng snack ở thị trường Việt Nam. Để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, những năm 2006-2007, doanh nghiệp đã lập dự án nông nghiệp hợp tác trực tiếp cùng nông dân - một việc làm mà rất ít tập đoàn đa quốc gia thực hiện lúc bấy giờ.

Hơn 10 năm qua, dự án đã gặt hái được nhiều thành công. Đó chính là thành quả của sự hợp tác với người nông dân nhằm xác định cách tốt nhất để trồng khoai tây tại Việt Nam - điều chưa từng được thực hiện trước đây.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học của PepsiCo Foods Việt Nam, cho biết: "Ban đầu chúng tôi đã gặp thất bại bởi chưa định hình được cách làm việc cùng nông dân. Họ vẫn canh tác theo thói quen, không theo quy trình kỹ thuật của công ty hướng dẫn, thậm chí đôi khi không tuân thủ theo hợp đồng… Bên cạnh đó, dự án cũng gặp phải nhiều thách thức như chưa tìm đúng nguồn đất với khí hậu phù hợp...".

Một trở ngại khác khiến PepsiCo đau đầu là đã chốt giá với nông dân tại thời điểm thu hoạch nhưng khi thị trường mua đội giá nguồn cung có nguy cơ bị thâm hụt. Ngược lại, nguồn cung sẽ quá tải nếu giá thị trường thấp hơn so với giá hợp đồng.

Chọn phương pháp tiếp cận nông dân theo cách mưa dầm thấm lâu, các hộ tham gia chương trình dần hiểu rõ lợi ích và hiệu quả cũng như cam kết thỏa thuận về giá của công ty.

Đơn cử như hộ anh Phan Văn Trị huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) quanh năm sống dựa vào nương rẫy, trồng rau củ quả các loại. Từ khi tham gia vào dự án, được đội ngũ kỹ sư nông học của PepsiCo hướng dẫn kỹ thuật canh tác đã cải thiện được năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao hơn trước.

"Nhìn thấy được hiệu quả rõ rệt nên từ 0,5 ha trồng khoai tây ban đầu theo dự án của PepsiCo, tôi đã mở rộng diện tích lên 10 ha, năng suất thu hoạch hiện đạt mức 30 tấn khoai tây/ha và bán hết cho đơn vị thu mua của dự án. Hưởng lợi từ việc phát triển kinh doanh, gia đình tôi đã sắm sửa đầy đủ tiện nghi, con cái học hành nên người. Con gái lớn của tôi có bằng tiến sĩ kinh tế nông nghiệp, còn con trai đang học ngành hàng không bên Đức", anh Trị chia sẻ.

Gia đình anh Trị là 1 trong số 580 hộ nông dân của tỉnh Lâm Đồng và Đak Lak đã có cuộc sống ngày càng cải thiện và tốt hơn nhiều nhờ trồng khoai tây theo dự án.

Với hơn 38 năm nghiên cứu và phát triển giống khoai tây, chuyên gia nông học Trương Công Tuyện là một trong những đối tác quan trọng trong dự án phát triển nông nghiệp bền vững của PepsiCo Foods tại Việt Nam.

Hơn 10 năm đồng hành cùng dự án, chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của những mảnh đất nông nghiệp mà PepsiCo đi qua, chuyên gia Trương Công Tuyện, chia sẻ: "10 năm đồng hành cùng bà con trên đồng ruộng, chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau rất nhiều, từ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như sẻ chia những thành quả, khó khăn. Cá nhân tôi đánh giá cao mô hình này bởi tính nghiêm ngặt, chặt chẽ trong quy trình sản xuất. Nhờ đó không chỉ giúp người nông dân thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, nâng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần mà vẫn duy trì giá trị tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, PepsiCo cũng chính là một trong những số ít đơn vị áp dụng chính sách bao tiêu cho người nông dân, nên mới tạo nên thành công như hôm nay"

... và xây dựng nên mô hình kinh doanh bền vững

Trong kế hoạch phát triển dự án 2 giống khoai tây FL2215, FL2027 của PepsiCo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, cho phép sản xuất trong thương mại.

Đây cũng là 2 giống khoai được áp dụng và thử nghiệm tại Lâm Đồng giúp tăng 50-100% năng suất so với giống khoai truyền thống, mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho nông dân.

Ngoài ra, giống khoai này có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn, hạn chế tối đa lượng thuốc phun giúp bảo vệ tính "lành" cho đất. Sau mỗi vụ thu hoạch, những dưỡng chất dư thừa từ cây khoai tây đọng lại trong đất giúp bà con luân canh cây lúa đạt sản lượng cao.

Được biết, nhờ mô hình phát triển vùng nguyên liệu bền vững, PepsiCo đã nội địa hóa hơn 70% nguyên liệu khoai tây, không còn phải nhập ngoại hoàn toàn như thời kỳ đầu kinh doanh mảng thực phẩm.

Đi cùng với việc phát triển sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu, PepsiCo cũng đặt mục tiêu bảo vệ nguồn nước sử dụng, cố gắng tiết kiệm trên 3.000 m3/ha trong mùa khô bằng cách khuyến khích nông dân áp dụng tưới phun sương.

Theo lãnh đạo PepsiCo, doanh nghiệp rất tự hào vì qua dự án đã cải thiện đời sống không chỉ của người nông dân và gia đình họ, mà còn cho cả những cộng đồng rộng khắp. Và với thành công đó đã tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng nhiều hơn những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững cho Việt Nam trong tương lai.