11:33 22/07/2022

Giá vàng thế giới tăng bùng nổ, trong nước lên gần 66 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại, thoát khỏi mức đáy của 1 năm, khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng và đồng USD giảm giá. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (22/7) đội thêm 600.000 đồng/lượng...

Một cửa hàng vàng ở Bangkok, Thái Lan, hôm 10/3/2022 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một cửa hàng vàng ở Bangkok, Thái Lan, hôm 10/3/2022 - Ảnh: Getty/CNBC.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 22,8 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,3%, chốt ở 1.720,2 USD/oz.

Trong phiên châu Á sáng nay, giá vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ. Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 1.716,5 USD/oz. Mức giá này tương đương 48,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank.

Đồng Euro đã tăng giá so với USD sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, đồng bạc xanh đã nhanh chóng hồi phục, với chỉ số Dollar Index đạt gần 107 điểm, so với mức 106,9 điểm vào sáng hôm qua.

Ngoài sự giảm giá ban đầu của đồng USD trong phiên ngày thứ Năm, giá vàng còn được hỗ trợ khi nhu cầu mua vàng được cải thiện trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở khu vực Eurozone sau khi ECB tăng lãi suất. Một cuộc suy thoái sâu ở ECB có thể kéo toàn bộ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Nỗi lo này gia tăng khi ECB tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự kiến ban đầu. Đặc biệt, lãi suất tăng giữa lúc châu Âu đang đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine.

“Châu Âu đang ở một tình trạng nói chung là tồi tệ”, bao gồm rủi ro địa chính trị liên quan đến Ukraine, giá năng lượng tăng cao, khối nợ khổng lồ, và tất cả các yếu tố này giúp cho nhu cầu nắm giữ vàng được khởi sắc - chiến lược gia Daniel Pavilonis của RJO Futures nhận định.

Tuy thoát đáy của 1 năm, giá vàng hiện đã giảm hơn 380 USD/oz kể từ đầu tháng 3 đến nay. Nguồn áp lực giảm giá chính đối với vàng vẫn là xu hướng tăng giá của đồng USD và môi trường lãi suất tăng cao. Nếu tính từ dầu năm, Dollar Index đã tăng khoảng 11,4%.

“Giá vàng đang được hỗ trợ bởi lạm phát tăng cao, nỗi lo suy thoái kinh tế, nhu cầu phòng ngừa rủi ro. Nhưng mặt khác, giá vàng đang đối mặt với áp lực từ lãi suất tăng mạnh, đồng USD lên giá, và nhu cầu thấp do yếu tố mùa vụ”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định với hãng tin Reuters.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần tới là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7. Giới phân tích dự báo Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này.

“Xét tới việc thị trường đã rất nhanh chóng phản ánh bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Vì vậy, giá vàng có thể hưởng lợi trong ngắn hạn nếu Fed tăng lãi suất với bước nhảy đúng như vậy. Nhưng nhìn về dài hạn, áp lực giảm giá vàng vẫn lớn”, bà Cooper nhận định.

Giá vàng miếng trong nước sáng nay phổ biến ở mức 65,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, đã hồi nhiều sau khi giảm còn 64 triệu đồng/lượng vào đầu tuần.

Tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 800.000 đồng/lượng và 600.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,8 triệu đồng/lượng và 52,6 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 64 triệu đồng/lượng và 65,8 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 800.000 đồng/lượng và 600.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 17,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Vietcombank báo giá USD ở mức 23.270 đồng (mua vào) và 23.550 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.