15:20 21/06/2023

Giá xăng giữ nguyên, dầu tăng giảm tùy loại

Huyền Vy

Trong kỳ điều hành ngày 21/6, giá các mặt hàng xăng tiếp tục được giữ nguyên so với kỳ trước (ngày 12/6). Đối với các mặt hàng dầu, có mức tăng từ 133 đồng/lít - 146 đồng/lít, riêng với dầu mazut 180CST 3.5S giảm 132 đồng/lít so với giá hiện hành…

Giá các mặt hàng xăng trong kỳ điều hành ngày 21/6 được giữ nguyên so với kỳ trước (ngày 12/6).
Giá các mặt hàng xăng trong kỳ điều hành ngày 21/6 được giữ nguyên so với kỳ trước (ngày 12/6).

Chiều ngày 21/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 191 đồng/lít (kỳ trước 228 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 139 đồng/lít (kỳ trước 180 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 200 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 20.878 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít.

Xăng RON95-III: không cao hơn 22.015 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 18.174 đồng/lít (tăng 146 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành).

Dầu hỏa: không cao hơn 17.956 đồng/lít (tăng 133 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.587 đồng/kg (giảm 132 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.

Về nguyên nhân điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/6/2023 - 21/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+); xuất khẩu và sản lượng dầu của Iran tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong kỳ điều chỉnh tháng 6-2023 sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó; những lo ngại nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 12/6/2023 và kỳ điều hành ngày 21/6/2023 là: 88,091 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 0,188 USD/thùng, tương đương tăng 0,21% so với kỳ trước); 93,316 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,182 USD/thùng, tương đương tăng 0,20% so với kỳ trước).

Tương tự, dầu hỏa ở mức 90,291 USD/thùng (tăng 1,431 USD/thùng, tương đương tăng 1,61% so với kỳ trước); dầu điêzen là 91,716 USD/thùng (tăng 1,497 USD/thùng, tương đương tăng 1,66% so với kỳ trước). Riêng dầu mazut 180CST 3,5S giảm 1,189 USD/tấn, tương đương giảm 0,28% so với kỳ trước và hiện đang ở mức 421,293 USD/tấn.

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới. Nguồn: Bộ Công Thương.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: tiếp tục giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.