“Giải mã” cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Tổng thống Trump sử dụng
Khi thăm châu Á, ông Trump hay dùng thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương". Cụm từ này có ý nghĩa gì?
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã sử dụng "Ấn Độ-Thái Bình Dương", một cụm từ dường như phản ánh cách nhìn mới của Mỹ đối với khu vực, thay vì châu Á hay châu Á-Thái Bình Dương, cụm từ mà người tiền nhiệm Barack Obama thường dùng.
Trong bài phát biểu tại Đà Nẵng trước cộng đồng doanh nhân đến từ các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Trump nhiều lần kêu gọi một "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", phác họa hình ảnh một khu vực nơi các quốc gia độc lập có thể "phát triển trong tự do và hòa bình" và đồng thời "tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi".
Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 13/11 tại Manila, ông Trum cũng nhiều lần sử dụng cụm từ này.
Phản ánh hy vọng
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, cách lựa chọn từ ngữ phản ánh hy vọng của Mỹ rằng Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh của khu vực.
Theo một quan chức Chính phủ Mỹ đề nghị không tiết lộ danh tính, việc sử dụng cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương giúp củng cố thông điệp rằng an ninh trong khu vực được củng cố bởi tự do hàng hải. Đó là bởi cụm từ này cho phép Mỹ gộp chung những mối lo ngại về hai tuyến đường biển chính nối giữa châu Á với Trung Đông và châu Âu.
Theo lời một quan chức cấp cao khác của Mỹ, cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ như là những "bookends" - kệ đỡ giữ cho những cuốn sách có thể đứng thẳng - ở châu Á.
Đây là cụm từ được ông Trump lấy từ chính sách đối ngoại của Mỹ, và trước đó chính sách đối ngoại Mỹ đã mượn cùm từ này từ chính sách đối ngoại của Australia.
"Điều này tốt cho Ấn Độ vì nó phản ánh triển vọng về một vai trò của Ấn Độ trong thế cân bằng lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương", ông C. Raja Mohan, Giám đốc trung tâm Carnegie Ấn Độ, nhận xét. "Nếu bạn muốn phân tích, thì người Mỹ đang nói rằng họ muốn Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn".
Tại Philippines ngày 13/11, ông Trump đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi ông Modi là một người bạn và "một quý ông tuyệt vời".
Ông Modi đáp lại rằng mối quan hệ Mỹ-Ấn vượt qua khỏi hai quốc gia. "Dù thế giới và nước Mỹ có những kỳ vọng như thế nào về Ấn Độ, thì Ấn Độ sẽ luôn cố gắng hết sức mình để đáp ứng những kỳ vọng đó", ông Modi nói.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, vào ngày 12/11, các quan chức ngoại gioa cấp cao từ Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ đã gặp ở Philippines để "bàn về các biện pháp nhằm đảm bảo một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Ông Rory Medcalf, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Australia cho biết đã lần đầu nghe các nhà ngoại giao Australia bàn về cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương vào năm 2005. Tuy nhiên, ông Medcalf cho rằng cụm từ này có từ thập niên 1960, hoặc từ thời thực dân.
"Điều quan trọng là cụm từ này đang được dùng ở cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ", vị chuyên gia nói. "Đây không chỉ là một chuyện liên quan đến ông Trump. Cụm từ này còn được dùng bởi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ. Tôi cho là cụm từ sẽ được dùng cho tới cả sau thời Trump".
Cảng biển Kirshnapatnam ở Ấn Độ - Ảnh: Bloomberg.
Không chỉ ông Trump
Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương đã được đưa vào sách trắng quốc phòng 2013 của Chính phủ Australia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã thúc đẩy những mối liên hệ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong hơn một thập kỷ qua, và cụm từ này giờ là một phần trong tài liệu chính sách Nhật.
Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton từng mượn cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương khi giới thiệu chính sách xoay trục của Mỹ về châu Á trên phương diện chiến lược và kinh tế. Trong một bài phát biểu ở Hawaii vào năm 2010, bà Clinton nhắc đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Năm 2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục dùng cụm từ này cho một bài báo trên tạp chí Foreign Policy, khi nói rằng nước Mỹ đang mở rộng liên minh với Australia để đưa mối quan hệ này thành một liên minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, tướng Harry Harris, đã dùng cụm từ Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương từ ít nhất 2014, trong nhiều bài phát biểu khác nhau. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nhắc đến Ấn Độ-Thái Bình Dương 19 lần trong một bài phát biểu hồi tháng 10 về quan hệ Mỹ-Ấn.
Và khi rà soát lại lịch trình chuyến công du châu Á của ông Trump, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nói ông Trump đã có 43 cuộc điện đàm với "các nhà lãnh đạo ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Năng lực giới hạn
Phía sau cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng có những điều đáng chú ý khác.
Chẳng hạn, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật Bản, tổ chức các cuộc tập trận với sự tham gia của tàu sân bay và tàu ngầm ở Ấn Độ Dương vào mùa hè năm nay.
Kể từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nâng cấp chính sách "nhìn về phía Đông" của Ấn Độ - chính sách nhằm tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á - thành chính sách "hành động phía Đông". Chính sách này nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Đông Nam Á.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thể hiện một thái độ lạc quan về việc ông Trump dùng cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông Zhang Jun, một quan chức kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy rằng chủ đề Ấn Độ-Thái Bình Dương không được bàn đến nhiều tại kỳ thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vừa qua.
Bên cạnh đó, những thách thức cấp bách mà Ấn Độ đang phải đối mặt trong nước và về an ninh tại khu vực Nam Á, chẳng hạn tranh chấp lãnh thổ với Pakistan, sẽ hạn chế sự hiện diện của nước này ở các khu vực khác.
Theo ông Dhruva Jaishankar, một chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc viện Brookings India ở New Delhi, trên biển Đông, đối với Ấn Độ, "những cuộc tuần tra chung cũng đã là một bước quá xa". "Các cuộc tuần tra chung là điều có thể làm đối với các nước Đông Nam Á", nhưng đối với Ấn Độ thì "năng lực hải quân vẫn là một thách thức dài hạn".