Giải quyết khiếu nại: 10 năm Chính phủ kiến nghị cùng một vấn đề
10 năm nay kiến nghị đó vẫn cứ lặp đi lặp lại nhưng tình hình không giải quyết được
Đó là phát hiện của đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) tại phiên thảo luận chiều 7/11 của Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Chưa hài hoà lợi ích
Theo báo cáo của Chính phủ thì tình hình tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 giảm nhiều trên hầu hết các tiêu chí như về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%), số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%). Tỷ lệ vụ việc được giải quyết và thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tăng so với năm 2016.
Mặc dù vậy, Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ - nhấn mạnh diễn biến khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường. Số đơn khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, bức xúc cũng chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn còn nhiều, một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng.
Tình hình như vậy, song theo cơ quan thẩm tra thì báo cáo của Chính phủ chưa có các phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2017, nhất là đối với những biến động lớn về số liệu so với kết quả các năm trước đây. Chính phủ cũng thiếu những phân tích, đánh giá về số vụ việc chuyển từ khiếu nại thành tố cáo, phân tích về tính chất của một số vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Như các vụ việc có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý dược phẩm, thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, quản lý đất đai, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, trong khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông...
Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến số đoàn khiếu nại, tố cáo giảm nhiều nhưng số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn là những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.... Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Chính sách đất đai có vấn đề
Những nguyên nhân nói trên cũng được đại biểu phân tích nhiều chiều tại phiên thảo luận.
Nhận xét của đại biểu Phạm Trí Thức là Chính phủ chưa nêu được nguyên nhân nào là nguyên nhân cơ bản nhất, chủ yếu nhất. Theo đại biểu, đó chính là bất cập của chính sách pháp luật về đất đai hiện nay. Ông Thức nhấn mạnh điều này được chứng minh từ suốt gần 10 năm nay, từ năm 2011 báo cáo của Chính phủ nêu có đến 82,44% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà ở; năm 2012 là 78,9%; năm 2013 là 60,9%; năm 2014 là 76,38%; năm 2015 là 76,7%; năm 2016 là 74%, năm nay là 72,1%.
Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính về đất đai cũng chiếm 74,6%; các tranh chấp vụ án về dân sự chiếm tỷ lệ lớn là tranh chấp về đất đai.
"Như vậy chính sách về đất đai của chúng ta đang có vấn đề", ông Thức phát biểu.
Phần giải pháp, đại biểu Thức "phê" Chính phủ nêu quá dàn trải, không biết đâu là giải pháp, đâu là chiến lược để giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay. Chẳng hạn, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu rất đơn giản, chung chung là Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong khi Luật Đất đai có rất nhiều nội dung như giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, tài chính về đất đai, giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất... thì không thấy nêu nội dung nào cần phải sửa đổi, bổ sung.
Ông Thức cũng nêu rõ, kiến nghị của Chính phủ 10 năm nay giống nhau, đều nói là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. "10 năm nay kiến nghị đó vẫn cứ lặp đi lặp lại nhưng tình hình không giải quyết được, phải chăng Chính phủ cho rằng tại Quốc hội không giám sát tốt nên tình hình mới diễn ra như vậy", đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Thức cũng thẳng thắn đánh giá, báo cáo kiến nghị Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là trái với nguyên tắc của Hiến pháp và trái với Luật Tổ chức Quốc hội. Bởi vì, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không có trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo mà chỉ tiếp nhận, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.