18:00 03/03/2022

Giữ lại trên 50% vốn khi cổ phần hóa Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

Mộc Minh

Tỷ lệ Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn sau cổ phần hóa từ trên 50-65%...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) cần sớm hoàn thiện và trình phương án tái cơ cấu tại Tổng công ty giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là một trong những nội dung mà ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị với CNS tại buổi làm việc với Tổng công ty về kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ năm 2022.

Đồng thời, nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thời gian qua, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình kế hoạch đề ra. Tổng công ty cũng cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu tài chính năm 2022 theo kế hoạch đề ra và đã đăng ký với UBND thành phố.

Về vấn đề cổ phần hóa tại CNS và các công ty con, đại diện lãnh đạo Tổng công ty cho biết, với 20 công ty thành viên và ngành nghề sản xuất thuốc lá chiếm tỷ trọng từ 65-70% tổng doanh thu. Do đó, UBND TP.HCM thống nhất tỷ lệ Nhà nước tại Tổng công ty sau khi cổ phần hóa từ trên 50-65% và 02 công ty con 100% vốn Nhà nước sẽ cổ phần hóa cùng với công ty mẹ.

Tuy nhiên, để đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình cho đến khi hoàn tất thì cần phải có sự hướng dẫn cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền với Tổng công ty.

Theo kế hoạch năm 2022, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

Tiếp tục tại cơ cấu lại các nhà máy, đơn vị trực thuộc; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, tối ưu hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị để hoàn thành chỉ tiêu năm 2022. Cụ thể, tổng doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đổng, bằng tăng 5% so với năm 2021; lợi nhuận hơn 402 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 3.240 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2021, doanh thu của Tổng công ty ước đạt trên 5.726 tỷ đồng, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận ước đạt gần 368,3 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm 2020; nộp ngân sách gần 3.187 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2020; thu nhập bình quân đầu người lao động tăng trên 10%.

Tổ chức hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng 3 dự án đầu tư, trong đó có 02 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 01 dự án công nghiệp hỗ trợ.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

CNS là doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM, được thành lập năm 2010, hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: Cơ khí chế tạo máy; Điện tử - công nghệ thông tin, bán dẫn, tự động hóa; Hóa chất - cao su - nhựa; Chế biến tinh lương thực - thực phẩm và một số lĩnh vực công nghiệp khác.

Năm 2019, CNS có vốn điều lệ  2.608 tỷ đồng với 5 nhà máy trực thuộc, 8 công ty con, 10 công ty liên kết và có hơn 5.000 cán bộ và công nhân.

 

Sai phạm tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS).

Chiều 31/12/2021, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐTV CNS; ông Lê Viết Ba, Phó Phòng Kế toán CNS, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. Hai bị can này được tại ngoại và tạm hoãn xuất cảnh.

Vào đầu tháng 11/2021, ông Chu Tiến Dũng, cựu Tổng Giám đốc CNS và Đỗ Văn Ngà, Kế toán trưởng CNS, cũng bị khởi tố, bắt giam về tội danh trên. 

Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) xảy ra tại CNS. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Bước đầu cơ quan chức năng xác định tại CNS xảy ra một số sai phạm trong hoạt động thoái vốn.

Theo đó, năm 2019, sau khi một số cán bộ và nhân viên của CNS tố cáo cấp trên gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, Thanh tra TP.HCM đã thanh tra về hoạt động thoái vốn của CNS tại Công ty cổ phần Điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE, và việc chuyển nhượng đất của Nhà nước thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành.

Trong đó, năm 2015, CNS hợp tác với đơn vị khác thành lập Công ty TNHH kinh doanh thương mại dịch vụ Hoa Mai. Lúc này, CNS đang thuê 2 khu đất 181 Điện Biên Phủ (hơn 4.700m2) và 200 Võ Văn Tần (hơn 1.700m2) của UBND TP.HCM và nộp tiền hàng năm. CNS đã góp vốn vào Công ty Hoa Mai 60 tỷ đồng tương đương với giá trị tài sản trên 02 khu đất này. Do dự án không được thực hiện, giữa năm 2019, UBND TP.HCM thu hồi lại từ Công ty Hoa Mai.

Đến năm 2017, CNS đã bán toàn bộ 51% cổ phần trong Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel với giá gần 21 tỷ đồng. Trong khi công ty này đang hợp tác đầu tư dự án thương mại tại lô đất đắc địa 119 Phổ Quang (quận Phú Nhuận) có giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

CNS cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, thu về số tiền không lớn, trong khi doanh nghiệp này đang sử dụng 02 khu đất có giá trị tại 52 Thành Thái và 376 Điện Biên Phủ (quận 10) hợp tác đầu tư kinh doanh.