10:55 31/07/2023

Gỡ bỏ những rào cản đối với kinh tế dược liệu

Song Hoàng

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế và có nhiều tiềm năng, nhưng kinh tế dược liệu của Việt Nam vẫn phát triển theo “mô hình gai mít”, tức là không có điểm mạnh. Việc kết nối giữa nông dân với nhà khoa học và doanh nghiệp chưa hiệu quả; ngoài ra, tư liệu sản xuất cũng nhỏ lẻ, manh mún nên việc sản xuất theo quy mô lớn, công nghiệp chưa thể thực hiện một cách bài bản, đồng bộ...

Tháng 3 vừa qua, hàng trăm hộ dân trồng cây cát cánh tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, như ngồi trên đống lửa vì cát cánh đến ngày thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được. 

Theo các cơ quan chức năng của địa phương, diện tích cây cát cánh tại toàn huyện Si Ma Cai đạt gần 37 ha, trong đó có 33 ha trồng năm 2022 tại các xã Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn, Nàn Sán, Thào Chư Phìn, Nàn Sín. Đến thời kỳ thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt 200 tấn củ tươi. Tuy nhiên, dù Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ kết nối nhưng việc tiêu thụ loại dược liệu này vẫn gặp khó.

Lý do không tiêu thụ được dược liệu xuất phát từ phía người dân. Nhiều hộ gia đình không muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp bởi lý do thời gian hợp đồng quá dài (10 năm), nếu họ muốn chuyển sang cây trồng khác sẽ vi phạm hợp đồng. Mặt khác, do đất không liền khu, liền khoảnh, đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên dẫn đến khó khăn khi thực hiện các điều khoản trong hợp đồng.

THIẾU CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ, BAO TRÙM 

Câu chuyện về khó khăn trong tiêu thụ cát cánh tại Simaca chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy việc trồng và phát triển dược liệu tại Lào Cai và tại không ít tỉnh, thành ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, khó khăn.

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, tư liệu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc sản xuất dược liệu theo quy mô công nghiệp chưa thể thực hiện được một cách bài bản, đồng bộ.

Ông  Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, phân bua: “Nhu cầu dược liệu rất lớn. Hiện nhiều địa phương của Lào Cai cũng đã chú trọng tới quy trình trồng và sản xuất dược liệu, nhưng sản phẩm có đến được đúng đích không là vấn đề khác. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, đang muốn tìm nhà đầu tư chiến lược”.

Một vấn đề khác đang tạo áp lực rất lớn tới doanh nghiệp và người trồng dược liệu tại Việt Nam, đó là vấn nạn nhập lậu dược liệu. Không ít doanh nghiệp sản xuất dược liệu của Việt Nam hiện nay nhập khẩu khối lượng lớn dược liệu từ Trung Quốc để sản xuất ra sản phẩm của mình.

Mặc dù sở hữu rất nhiều loại dược liệu quý, hiếm, nhưng hiện nay dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu. Các sản phẩm xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Tại tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam” do a / b  tổ chức ngày 27/7/2023, PGS.TS Trần Văn Ơn, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội, cho biết: tại Việt Nam hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh... 

Chúng ta đã có nhiều sản phẩm trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ dược liệu trong nước như hoạt huyết dưỡng não của Traphaco, Boganic... và cũng có các sản phẩm xuất khẩu. “Việt Nam có 5.000 cây thuốc và cách chế tạo thuốc khác nhau. Điểm mạnh lớn nhất của cây dược liệu Việt Nam chính là tính đa dạng, độc đáo”, ông Ơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Ơn, điểm yếu của cây dược liệu Việt Nam là chưa mang tính định hướng thị trường và chưa phát huy được triệt để lợi thế riêng có. Ngành dược liệu cũng gặp khó khăn trong toàn chuỗi giá trị về sản lượng, sự đồng bộ các tiêu chuẩn và thiếu công nghệ lõi chiết xuất. Những điểm yếu này khiến dược liệu của Việt Nam bị lép vế trước các “đối thủ” thế giới.

Ông Ơn cũng cho rằng Việt Nam đã có chủ trương nhưng còn thiếu một chiến lược tổng thể, bao trùm. “Kinh tế dược liệu của chúng ta bây giờ có phát triển nhưng chưa nhìn thấy kế hoạch tổng thể ra sao. Giống như mới chỉ sờ chân, sờ vòi con voi mà chưa biết được cả con voi trông ra sao”, ông Ơn ví von.

CẦN ĐẦU TƯ MẠNH CHO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Để tạo ra được loại cây hàng hóa mang tính thương mại cao, xuất khẩu được như cây sâm của Hàn Quốc,  cần đầu tư thật mạnh và có trọng điểm cho nghiên cứu khoa học. Hàn Quốc có khoảng 800 bài báo khoa học về cây sâm, mỗi bài báo này là cả một công trình nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa của nó, có kết quả, số liệu minh chứng rõ ràng. Dựa vào các công trình nghiên cứu thiết thực, hữu ích này, họ từng bước đề ra chiến  lược phát triển một cách bài bản cho cây sâm cũng như các sản phẩm từ sâm.

Còn tại Việt Nam, chúng ta mới có khoảng 30 bài báo khoa học nghiên cứu, khảo nghiệm về sâm. Con số này quá nhỏ bé để có thể hiểu biết được hết về loại cây này. Đây là một quá trình mà nếu chúng ta muốn làm tốt, làm bền vững thì không thể đốt cháy giai đoạn được.

Nếu chúng ta muốn hướng đến việc xuất khẩu sâm đạt quy mô cả tỷ USD, thì câu chuyện nghiên cứu thị trường và tìm cách hạ giá thành sản phẩm phải được giải quyết để sản phẩm của ta có mức giá cạnh tranh hơn. “Nhìn xa khoảng 7-10 năm nữa, các vùng trồng sâm ở ta được mở rộng. Nhưng nếu chi phí đầu tư không hạ được xuống thì sẽ thật đáng lo, bởi người đầu tư sau chưa kịp thu lại chi phí ban đầu thì giá sâm đã hạ…”, ông Ơn nói.

Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, cũng cho rằng Việt Nam đang thiếu nhiều yếu tố để phát triển cây dược liệu từ chính sách vĩ mô đến giáo dục thị trường.

“Không thể giữ quan điểm trồng dược liệu đơn sơ như trước mà phải xác định đi theo con đường kinh tế dược liệu, gắn với chế biến sâu để tạo ra kinh tế hàng hóa và sinh kế bền vững cho bà con. Nhưng muốn phát triển thì cần nguồn vốn, tuy nhiên hiện nay việc vay vốn rất khó khăn.

Các tổ chức tài chính thường dễ dãi cho doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vay vốn vì nếu dự án không thành công, họ sẽ thu lại công trình rồi rao bán. Trong khi đó, nếu dự án dược liệu thất bại, thì ngân hàng khó thu vốn lại. Đây chính là nguyên nhân khiến ngân hàng không mặn mà khi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay tiền để trồng dược liệu hay khởi nghiệp với sản phẩm dược liệu”, ông Thoại cho biết.

Một yếu tố được ông Thoại đánh giá quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đó là đầu tư vào nghiên cứu khoa học. “Ở nước ngoài họ quy hoạch những cây dược liệu có tiềm năng, từ đó phát triển trồng, chế biến sản phẩm.

Tại Ấn Độ, riêng từ cây đàn hương họ chế biến ra 50 sản phẩm khác nhau, trong đó sản xuất 30 triệu bánh xà phòng làm từ đàn hương mỗi năm để bán khắp toàn cầu”, ông Thoại thông tin. Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals - công ty thuộc Tập đoàn TH), cho biết Việt Nam có tiềm năng cây dược liệu lớn nhưng chưa khai thác được triệt để.

Tại TH, quá trình phát triển cây dược liệu theo cách riêng, tài nguyên thiên nhiên và trí tuệ Việt Nam kết hợp với khoa học và công nghệ thế giới. Theo chiến lược đó, Tập đoàn TH đã mời các giáo sư, nhà khoa học của các trường đại học hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Israel tham quan trực tiếp các vùng dược liệu của Việt Nam. Sau đó, dựa trên các tư vấn, định hướng của họ, TH mới phát triển cây dược liệu.

Tuy nhiên không phải không có những khó khăn. Khó khăn đầu tiên được nhắc tới là số lượng cây thuốc quý đa phần nằm ở vùng núi, xa xôi, nơi chủ yếu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là lực lượng lao động chính. Khi tham gia phát triển kinh tế dược liệu, doanh nghiệp sẽ phải là người dẫn dắt.

Khó khăn thứ hai là chi phí đầu tư, nhất là chi phí đầu tư ở vùng sâu vùng xa. Đầu tư chế biến sâu cũng cần những cơ sở hạ tầng về điện nước, trường trạm. “Đây là những rào cản đang cản đà doanh nghiệp cây dược liệu của Việt Nam và cần sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ”, Tổng giám đốc Công ty TH Herbals kiến nghị.

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu tiếp tục phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2023 phát hành ngày 31-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Gỡ bỏ những rào cản đối với kinh tế dược liệu  - Ảnh 1