16:09 01/11/2023

Góp ý Nghị định về lựa chọn nhà thầu: Các quy định cần hợp lý để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ

Vũ Khuê

Các quy định trong Nghị định về lựa chọn nhà thầu cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và thực thi trong thực tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công Luật Đấu thầu 2023...

Nhiều ý kiến đề xuất, gói thầu mua thuốc cần cân bằng giữa tỷ trọng giá và chất lượng. Ảnh minh họa.
Nhiều ý kiến đề xuất, gói thầu mua thuốc cần cân bằng giữa tỷ trọng giá và chất lượng. Ảnh minh họa.

Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

CẦN CỤ THỂ HÓA, LÀM RÕ MỘT SỐ NỘI HÀM

Song hành với Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Dự thảo được thiết kế với 126 điều, tương đối đồ sộ và kỹ thuật. Tuy nhiên, đây lại là văn bản quy định chi tiết rất quan trọng, hướng dẫn nhiều nội dung lớn về lựa chọn nhà thầu, trong đó dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023.

Như quy định về đảm bảo cạnh tranh, chống “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu: các nhà thầu tham dự gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hoá, phi tư vấn, tư vấn, gói thầu chìa khoá trao tay phải độc lập; nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt phải độc lập; cách thức xác định.

Ưu đãi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh. Quy định chi tiết về mua sắm trong lĩnh vực y tế như lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật; chỉ định thầu rút gọn với mua thuốc.

Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hoá chất, vật tư, thiết bị y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Đấu thầu qua mạng và liên thông kết nối đến các cơ sở dữ liệu khác. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu uy tín nhà thầu; cơ sở dữ liệu đánh giá chất lượng hàng hoá; công khai thông tin thực hiện hợp đồng; các hình thức đấu thầu khác như đấu giá ngược, mua sắm trực tuyến…

Phát biểu tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu” ngày 1/11, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các quy định mới trong dự thảo này sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu.

Góp ý Nghị định về lựa chọn nhà thầu: Các quy định cần hợp lý để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ - Ảnh 1

Song “các quy định này cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý thì doanh nghiệp mới dễ dàng tuân thủ và thực thi trong thực tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công Luật Đấu thầu 2023 như kỳ vọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Góp ý tại hội thảo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đánh giá, dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có nhiều quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm: ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Những ưu đãi này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...

Tuy nhiên, ông Hải đề xuất cần phải cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu.

Dự thảo cũng đưa ra quy định mức ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam dưới 50% và trên 50%, đồng thời phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa dự thầu có xuất xứ Việt Nam.

Theo lãnh đạo Vinaconex, việc xác định cụ thể tỷ lệ % chi phí sản xuất trong trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng. Do vậy, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc trong trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó.

Ngoài ra, dự thảo quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng song chỉ áp dụng 100% với các gói thầu thuộc dự án đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước thuộc lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

Theo ông Hải, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước nhằm công khai, minh bạch quá trình đấu thầu và theo lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu sẽ phải triển khai tổ chức đấu thầu qua mạng.

Do đó, đại diện Vinaconex đề xuất, đối với các gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ không bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhưng cũng không hạn chế, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu thuộc dạng này.

NÊN CÂN BẰNG GIỮA TỶ TRỌNG GIÁ VÀ CHẤT LƯỢNG

Ở góc độ y dược, BS. Nguyễn Thị Lương Phong, Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam góp ý, dự thảo quy định tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá. “Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 30% đến 40%, tỷ trọng điểm về giá từ 60% đến 70%”.

Theo BS. Nguyễn Thị Lương Phong, tỷ trọng điểm kỹ thuật đã được tăng từ 20%-30% lên 30%-40% so với các bản dự thảo trước nhưng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên yêu cầu chất lượng kỹ thuật cần phải có tỷ trọng cao hơn.

Do vậy, đại diện Sanofi đề xuất, đối với gói thầu mua thuốc: tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 40% đến 60%, tỷ trọng điểm về giá từ 40% đến 60%.

Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc của người bệnh, các cơ chế mua sắm thỏa thuận đặc biệt với nhà sản xuất, nhà thầu cũng được áp dụng. Các thỏa thuận có thể dựa trên các yếu tố giá - sản lượng, giới hạn số lượng bệnh nhân, giới hạn mức ngân sách cố định, chi trả dựa trên hiệu quả điều trị…

Đặc biệt, thỏa thuận giảm giá kèm theo điều kiện bảo mật giá cũng cần được cân nhắc áp dụng. Cơ chế bảo mật giá sẽ giúp các nhà sản xuất có thể đưa ra những mức giá linh động, phù hợp với từng điều điện của thị trường.

Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Quan hệ chính phủ & Chính sách công, Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam, cho rằng đối với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tính chất đặc thù và có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên cần yêu cầu chất lượng kỹ thuật cao, vì vậy cần có sự cân bằng giữa tỷ trọng giá và chất lượng.

Nếu vẫn giữ tỷ trọng giá cao hơn, dù có dùng phương pháp điểm tổng hợp để đánh giá thì thực chất sẽ vẫn quy về phương pháp giá thấp nhất và như thế chỉ có thể chọn hàng có giá rẻ như hiện tại mà không chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu điều trị chính đáng của người bệnh. Dẫn đến hệ quả, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân gây tốn kém cho quỹ BHYT, tổn thất về kinh tế cho người bệnh, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.