17:38 18/06/2019

GTNFoods than khó ở hai mảng kinh doanh chính chè và sữa

KIỀU LINH

Gặp khó khăn ở cả hai mảng kinh doanh chính gồm sữa và chè nên năm 2018 có thể nhấn mạnh là một năm kinh tế buồn của GTNFoods

GTNFoods than khó ở hai mảng kinh doanh chính chè và sữa.
GTNFoods than khó ở hai mảng kinh doanh chính chè và sữa.

Trong bối cảnh ngành thực phẩm và nông nghiệp được đánh giá là rất tiềm năng ở Việt Nam, GTNFoods (mã chứng khoán GTN - HOSE) đã cắt giảm và đẩy mạnh thoái vốn ở các mảng kinh doanh không cốt lõi, tập trung chiến lược khai thác ở lĩnh vực chè và sữa. Tuy nhiên, 2 mảng này không thực sự "dễ nhằn" như ban lãnh đạo công ty kỳ vọng.

Ban lãnh đạo GTNFoods cho biết, năm 2018 là một năm khó khăn với thị trường sữa do nhu cầu người tiêu dùng tổng thể tăng trưởng chậm lại, nhiều mặt hàng mới tham gia vào thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt dẫn đến thị trường chung suy giảm so với cùng cầu. Bên cạnh đó, Mộc Châu Milk phải đẩy mạnh marketing, khuyến mại nhằm giữ vững thị trường và duy trì doanh thu, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. 

Đối với sản phẩm chè thương hiệu Vinatea, doanh thu năm 2018 đạt 394 tỷ đồng, giảm 103 tỷ đồng, tương đương với 20,8% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế ghi nhận âm 9,4 tỷ đồng. Trong khi năm trước đó lỗ 13,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính trong năm 2017, Vinatea đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho từ trước quá trình cổ phần hoá, dẫn đến doanh thu tăng mạnh. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho này không còn ảnh hưởng trong năm 2018 dẫn đến doanh thu giảm.

Ngoài ra, thị trường chè đen trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2018, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ không tăng trưởng đồng nhất với nguồn cung hàng hoá, kèm theo sự gia tăng cạnh tranh từ những nhà cung cấp đến từ các nước xuất khẩu chè lớn thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Kenya… 

Gặp khó ở cả hai mảng kinh doanh chính dẫn đến cả năm 2018, doanh thu toàn tập đoàn GTNFoods chỉ đạt 3.008 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 90% kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 104 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2017, tương đương với 35% kế hoạch và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 7,9 tỷ đồng, tương đương 5% kế hoạch, giảm 80,4% so với năm 2017.

Cũng theo ban lãnh đạo công ty, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động thanh lý tài sản không cốt lõi chưa được thực hiện theo như kế hoạch đầu năm. Hoạt động quyết toán vốn nhà nước lần 2 để bàn giao sang công ty cổ phần tại Vinatea chưa hoàn thành trong năm 2018, gây nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh lý tài sản tại công ty. 

Ngoài ra, một số đơn vị như Vinatea, Tre Mộc Châu phát sinh trích lập khoản dự phòng phải thu các khoản kế thừa từ giai đoạn trước cổ phần hoá, dự phòng hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Do vậy, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông 2019, công ty dự kiến không trích trả cổ tức năm 2018 mà giữ lại lợi nhuận để đầu tư phát triển cho năm 2019. Lãnh đạo GTNFoods cũng dự kiến sẽ trình lên cổ đông mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 200 tỷ đồng, tăng 92%, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 90 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2018. 

Cuối năm 2018, tổng tài sản của GTNFoods ghi nhận đạt 4.730 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2017 và tăng 2,3 lần so với cuối năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do trong giai đoạn 2014-2018, GTNFoods đã liên tục thực hiện các vòng tăng vốn để đầu tư M&A vào các doanh nghiệp tiềm năng trong ngành thực phẩm và nông nghiệp. Kết quả là hoạt động kinh doanh và báo cáo tài chính của các công ty được M&A mới được hợp nhất vào báo cáo tài chính dẫn đến giá trị tổng tài sản tăng mạnh. Kế hoạch tìm kiếm và mua cổ phần chi phối các công ty có tiềm năng, thế mạnh phù hợp với mô hình hoạt động và hệ thống các đơn vị thành viên của tập đoàn tiếp tục được GTN đặt ra trong năm 2019.