Hà Nội sẽ có 8 huyện phát triển lên quận
Kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 Hà Nội sẽ phát triển 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận và 3 huyện khác sẽ lên quận ở giai đoạn 2026-2030...
Trong các chương trình công tác toàn khóa vừa được Thành ủy Hà Nội thông qua, Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đề cập đến nhiều nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về xây dựng, phát triển nông thôn.
Cụ thể, đối với xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị.
Theo đó, trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025. Các huyện Thanh Oai, Thường Tín và Mê Linh... sẽ lên quận vào giai đoạn 2026-2030.
Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp và nguồn khác...) là 8.980 tỷ đồng.
Chương trình nhấn mạnh công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xã, huyện nông thôn mới đảm bảo gắn kết giữa quy hoạch công nghiệp, dịch vụ và quy hoạch đô thị với nông thôn theo quy định; hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất (cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề- phố nghề, cụm đổi mới…); ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn.
Đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa cơ sở và diện tích đất cây xanh công cộng theo hướng tiêu chí đô thị. Bên cạnh đó xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn theo hướng phát triển đô thị…
Liên quan đến chủ trương nhiệm vụ này, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định “thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của Thành phố Hà Nội”. Ban Chỉ đạo gồm 26 người, trong đó Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo có sự tham gia của 10 lãnh đạo sở, ngành và bí thư, chủ tịch UBND các huyện nằm trong đề án lên quận, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì.
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện trên trở thành quận thuộc thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội hiện có 12 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy và Hà Đông.