09:36 21/11/2017

Hà Nội sẽ có thêm 3 cầu vượt, hầm chui

Bảo Anh

Danh mục công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 sẽ gồm 55 dự án, trong đó có 27 dự án sử dụng ngân sách và ODA

Hà Nội chủ trương làm khá nhiều cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm.
Hà Nội chủ trương làm khá nhiều cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về việc bổ sung 3 dự án giao thông trọng điểm vào quy hoạch giao thông thành phố.

Theo đó, 3 dự án được bổ sung gồm: Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5) theo chỉ đạo của Thành ủy tại Thông báo số 767-TB/TU ngày 19/6/2017. Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng.

Tiếp đến là dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng.

Dự án thứ ba là xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Tasco đề xuất.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh thông tin một số dự án như: Điều chỉnh từ "Ngân sách thành phố, ODA" thành "Ngân sách Thành phố và BT" đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư "Ngân sách thành phố, ODA".

Bên cạnh đó, 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: Từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống 2 - đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh) sẽ được điều chỉnh từ hình thức đầu tư "BOT" thành "BOT hoặc BT". Đối với dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại quận Tây Hồ, thành phố sẽ điều chỉnh từ hình thức đầu tư "PPP đặc thù" thành "Xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ".

Trước đó, cuối năm 2016, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục 52 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 503.374 tỷ đồng, gồm 29 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 22 dự án đầu tư theo hình thức PPP (18 dự án BT, 3 dự án BOT, 1 dự án theo hình thức PPP khác); 1 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Như vậy, danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 sau điều chỉnh, bổ sung gồm 55 dự án, trong đó có 27 dự án sử dụng ngân sách và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.