13:29 19/10/2019

Hai điều kiện quan trọng để Tp. HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Quỳnh Nguyễn

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho rằng, chỉ tính thị trường vốn quy mô của Việt Nam chỉ khoảng 10 tỷ USD, rất khiêm tốn so với Thái Lan hay Hàn Quốc

Phiên thảo luận "Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế: Hiện trạng- mục tiêu và lộ trình thực hiện", Diễn đàn Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh năm 2019
Phiên thảo luận "Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế: Hiện trạng- mục tiêu và lộ trình thực hiện", Diễn đàn Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh năm 2019

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Điều kiện quan trọng để Tp. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính khu vực là phải có sự ủng hộ và đồng hành của chính quyền trung ương.

Tại phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề"Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm Tài chính Khu vực và quốc tế: Hiện trạng- mục tiêu và lộ trình thực hiện" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh năm 2019, các chuyên gia là những nhà hoạt động "gạo cội" trên thị trường tài chính Việt Nam đã chỉ ra những trở lực khiến Tp.Hồ Chí Minh khó có thể thành trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời chỉ ra hướng phát triển Việt Nam, Tp.Hồ Chí Minh có thể tiếp cận. 

Quy mô thị trường quá bé 

Báo cáo xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu năm 2019 cho biết Hồng Kông đang  xếp vị trí số 3, Singapore xếp vị trí số 4, Thượng Hải số 5, Tokyo số 6, Bangkok số 53, Jakarta số 68. Tp.Hồ Chí Minh hay Hà Nội không có trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, nếu tính chung về quy mô cả nước, Việt Nam có vị thế khoảng số 69. Quy mô thị trường chứng khoán (so với GDP) vào tháng 6/2019 là 79%GDP.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho rằng, quy mô thị trường chứng khoán so với GDP bị giảm, ước tính còn khoảng 50%GDP do thay đổi cách tính GDP của Chính phủ trong thời gian tới làm tăng quy mô của GDP hiện tại lên hơn 20%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, một thị trường tài chính thông thường có 4 cấu phần gồm: Thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán bao gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm, thị trường phái sinh. Đối với thị trường ngân hàng quy mô được đo lường bằng tổng tài sản của các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán được đo lường bằng vốn hóa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm được đo lường bằng doanh thu phí bảo hiểm.

Hiện quy mô thị trường tài chính Việt Nam hơn 200%GDP, lớn hơn quy mô thị trường Indonesia, Phillipines, nhưng bé hơn thị trường Thái Lan hay Singapore nếu so trong khu vực Asean.

Hơn nữa trong hệ thống tài chính Việt Nam, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm đến tỷ trọng 68%; vốn hóa thị trường cổ phiếu gần 23%, vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 8%; thị trường bảo hiểm gần 2%.

Hệ thống tài chính Tp.HCM ước tính chỉ bằng 6,2%GRDP. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Tp. Hồ Chí Minh ước tính chiếm tỷ trọng 74,5% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

FC VTTA Vi the image(112)

Nguồn: Ts. Vũ Thành Tự Anh

Chưa thể đáp ứng hai tiêu chí vô cùng quan trọng…. 

Tp. Hồ Chí Minh hiện là trung tâm tài chính của Việt Nam, có sự hiện diện của nhiều định chế tài chính trong nước và quốc tế, thị trường chứng khoán lớn nhất và năng suất lao động cao gấp 3 lần bình quân cả nước, có lượng kiều hối về nhiều nhất cả nước và có nền tảng hạ tầng…. 

Có 10 tiêu chí/điều kiện để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ts. Cấn Văn Lực đánh giá Tp. Hồ Chí Minh đã đáp ứng được 4 tiêu chí gồm: vị trí, môi trường kinh doanh (xếp hạng 69), danh tiếng và mức độ đa dạng sản phẩm tài chính - ngân hàng; còn 6 tiêu chí chưa đáp ứng được. 

Có 2 tiêu chí vô cùng quan trọng Tp. Hồ Chí Minh chưa thể đáp ứng gồm: (i) tự do chuyển đổi đồng nội tệ. Muốn Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực, đồng tiền VND phải có khả năng chuyển đổi tự do ở trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu thương mại, tài chính, đầu tư….của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tính tự do chuyển đổi của đồng nội tệ lại liên quan đến thể chế và tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước. (ii) Tự do luân chuyển dòng vốn/tự do hóa tài khoản vốn.

"Nếu không có quyết tâm chính trị 2 điều kiện nói trên không thể đáp ứng được yêu cầu và vì vậy Tp. Hồ Chí Minh khó có thể trở thành trung tâm tài chính" - Ts. Cấn Văn Lực.

Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cần đầu tư hơn nữa cho 4 tiêu chí: nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý và nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông. 

Đồng tình với quan điểm của Ts. Cấn Văn Lực, Ts. Vũ Thành Tự Anh cho rằng: Điều kiện quan trọng để Tp. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực là phải có sự ủng hộ và đồng hành của chính quyền trung ương để "mở khóa" 2 tiêu chí tự do chuyển đổi đồng nội tệ và tự do hóa tài khoản vốn. Hơn nữa, với tỷ lệ ngân sách nhà nước được giữ lại ngày càng giảm, từ mức 23% xuống còn 18% không chỉ làm giảm động lực phát triển của địa phương mà còn khiến Tp. Hồ Chí Minh khó có đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng.  

FC VTTA image(120)

Nguồn: Ts. Vũ Thành Tự Anh

Trở thành trung tâm tài chính kế tiếp của châu Á: Cực kỳ khó!

Chủ đề chung của Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh 2019 là phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính kế tiếp của châu Á, liệu mục tiêu này có khả thi không?

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, có 5 mô hình trung tâm tài chính: quốc gia, khu vực, Offshore Center (Hải ngoại, như Dubai), quốc tế (Hong Kong, Singapore, Tokyo), toàn cầu (Luân Đôn, New York). Nếu mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Tp. Hồ Chí Minh sẽ phải cạnh tranh với Hongkong, Singapore, Seoul. Điều này là rất khó và cực kỳ khó. "Tôi mong muốn chúng ta có thể gắn chặt hơn với Malaysia" Ts. Cấn Văn Lực đề xuất.

 Theo ông Dominic, Việt Nam chưa khai thác đủ tiềm năng của thị trường để tạo đà phát triển. Với 3 con số 10 tỷ USD – 150 tỷ USD – 1.000 tỷ USD là tổng giá trị vốn hóa thị trường vốn của lần lượt Việt Nam – Thái Lan – Hàn Quốc cho thấy quy mô của thị trường vốn Việt Nam còn rất khiêm tốn so với thị trường các nước bạn có quy mô không lớn. Muốn Tp. Hồ Chí Minh phát triển lên trung tâm tài chính kế tiếp của châu Á, Tp. Hồ Chí Minh phải có độ lớn về quy mô, có thanh khoản cao.

Ông Dominic giải thích thêm, trong giới tài chính có câu "dòng vốn thu hút dòng vốn", "không có thanh khoản không thu hút được thanh khoản". Việt Nam thiếu vắng những chủ thể/các tổ chức tài chính. Việt Nam có các ngân hàng nhưng thị trường vốn còn yếu, chỉ có VCB, Techcombank, MB, SSI có công ty quản lý quỹ. Việt Nam không có nhiều công ty quản lý quỹ tạo ra sự đa dạng của cá chủ thể, sự đa dạng về sản phẩm….

"Tôi nghĩ rằng chúng ta còn phải khai thác rất nhiều tiềm năng của Việt Nam mới có thể trở thành trung tâm lớn", Dominic Scriven.

Khó là vậy, nhưng từ phía chuyên gia nước ngoài, ông Patrick Tay, Giám đốc tư vấn kinh tế và chính sách PwC tại Malaysia tin rằng mục tiêu phát triển Tp. HCM thành trung tâm tài chính kế tiếp của châu Á là khả thi và Tp. HCM có thể bắt đầu từ việc đàm phán với các khách hàng tiềm năng/các định chế tài chính lớn để họ chuyển hoạt động về Tp. Hồ Chí Minh.

FC image(113)

Nguồn: Ts. Vũ Thành Tự Anh

Chiến lược cạnh tranh

Việt Nam có tham vọng có trung tâm tài chính trên bản đồ trung tâm tài chính thế giới, nhưng Việt Nam đi sau, xuất phát điểm và quy mô thị trường hạn chế. Nếu Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì chiến lược cạnh tranh của Việt Nam hay Tp. Hồ Chí Minh là gì?

TS.Cấn Văn Lực cho rằng Tp. Hồ Chí Minh nên làm song song vừa phấn đấu trở thành trung tầm tài chính quốc tế vừa có thể phát triển thành trung tâm Fintech - đây là điều Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể làm được.

Việt Nam chú ý hơn nữa đến hệ thống pháp luật.

"Chúng ta từng nghe đến Dubai cho phép nhập toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế vào trung tâm tài chính của họ nhưng điều này không khả thi với Việt Nam. Việt Nam còn khoảng trống khá nhiều trong hệ thống pháp luật để đảm bảo phát triển thành Trung tâm tài chính. Việt Nam có Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam muốn bổ sung những khoảng trống trong hệ thống pháp luật Việt Nam có thể phát triển VIAC. Chuẩn mực kế toán Việt Nam không khác xa chuẩn mực kế toán quốc tế, tại sao Việt Nam không áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để tạo tniềm tin với các nhà đầu tư quốc tế", ông Dominic Scriven gợi ý.

Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội phát triển tài chính xanh - sự kết hợp giữa những gì liên quan tài chính và những gì liên quan phát triển bền vững. Việt Nam nói chung hay Tp. HCM có thể tập trung đầu tư công nghệ và ngôn ngữ Anh (giáo dục).