Hàng chục triệu khách hàng EVN thanh toán không dùng tiền mặt
Năm 2019, sẽ có trên 43% khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý trên 27 triệu khách hàng, trong đó có 91,64% là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; 8,35% là khách hàng gồm các cơ quan, doanh nghiệp. Kết quả thu tiền điện hàng năm của EVN đều đạt ở mức rất cao với tỷ lệ trên 99%.
Nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng và giúp nâng cao năng suất lao động, từ năm 2005, EVN đã triển khai việc thu hộ tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian; ký thoả thuận hợp tác với 4 ngân hàng lớn (BIDV, VietcomBank, Vietinbank, AgriBank)....
Tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm: từ 14,88% số khách hàng (năm 2015) lên 44,95% số khách hàng (năm 2017) và 49,45% số khách hàng (năm 2018).
Tuy nhiên trong giai đoạn từ 2005-2011, số lượng khách hàng tham gia chưa cao và mặc dù tiền điện thanh toán qua ngân hàng nhưng nhân viên điện lực vẫn phải đến nhà khách hàng để trả hóa đơn tiền điện.
Trong giai đoạn 2012-2015, sau khi có chính sách triển khai hóa đơn điện tử, EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thức hiện thí điểm và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện, khách hàng có thể lấy hóa đơn tiền điện qua website chăm sóc khách hàng của ngành điện cũng như nhận hóa đơn qua email của khách hàng.
Sau khi đã hoàn thành việc áp dụng hóa đơn điện tử, từ năm 2016, để nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng, chỉ tiêu thu tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian bắt đầu được đưa vào thành chỉ tiêu định lượng để điều hành hằng năm của Tập đoàn.
Việc đẩy mạnh này được thực hiện thông qua các giải pháp tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng. Trong năm 2017, với việc hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian, EVN không còn nhân viên của điện lực đến nhà khách hàng thu tiền.
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và nhiệm vụ được Chính phủ giao cho EVN tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01//2019 về các nội dung liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cũng như cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4, hiện nay, 100% các đơn vị của ngành điện đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trong dịch vụ thu tiền điện, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán như: ECPay, Payoo, Momo, VNPay, Zalopay, Viettel, VNPost, Napas … Các tổ chức trung gian này đều là các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian (bằng tiền mặt/ qua ví điện tử).
Khi thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức:
Thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng (tiền mặt hoặc chuyển khoản); thanh toán tiền mặt tại các điểm thu tiện dụng như siêu thị, cửa hàng của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Với việc đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, công tác thu hộ tiền điện của EVN đã đạt được những kết quả khả quan. Đến hết năm 2018 có 49,45% khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua ngân hàng và tổ chức trung gian; các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt như: trích nợ tự động, ATM, ngân hàng trực tuyến, UNT/UNC… đạt trên 21,74% khách hàng của EVN.
Đến hết tháng 5 năm 2019, có 52,36% khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua các NH và tổ chức trung gian; các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt đạt trên 27,37% khách hàng của EVN. Các khu vực có tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện theo hình thức không dùng tiền mặt cao là Thành phố Hồ Chí Minh (91,61%) và Thành phố Hà Nội (81,98%).
Để đạt mục tiêu trong năm 2019 tăng gấp đôi số khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt do Chính phủ giao (tương ứng với trên 43% khách hàng của EVN), các đơn vị thành viên của EVN đang tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc vận động cán bộ công nhân viên tại các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động, SMS và mobile banking, internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website của điện lực….
Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hỗ trợ phổ biến, tuyên truyền về việc sử dụng các dịch vụ điện mức độ 4 để các khách hàng biết và sử dụng.