Hàng không còn nhiều dư địa, Vietstar muốn được bay
Việt Nam đang có 3 hãng hàng không hoạt động, so với khu vực, cạnh tranh hàng không ở Việt Nam đang ở mức độ tối thiểu
Dư địa khai thác kinh doanh trong lĩnh vực hàng không còn nhiều tiềm năng khi lượng khách liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua. Việc chỉ có 2 hãng hàng không phục vụ nhu cầu của 90 triệu dân và hàng triệu lượt khách quốc tế là quá ít.
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines được cất cánh, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc công ty cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vietstar Air đã lo đủ về vốn, điểm đỗ máy bay... để đủ các điều kiện cấp phép bay chưa, thưa ông?
Ban đầu chúng tôi nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng là doanh nghiệp với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Công ty đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung và đang triển khai một số dự án đầu tư hạ tầng sân bay, trong đố dự án sớm nhất là nhà ga hàng không lưỡng dụng (T3) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý yêu cầu phải để 700 tỷ đồng trên tài khoản phong tỏa trong suốt thời gian chờ xét duyệt giấy phép, điều đó quá khó khăn, tốn kém đối với một doanh nghiệp đang có nhiều hoạt động.
Để thỏa mãn yêu cầu của các cơ quan quản lý, chúng tôi đã thành lập một pháp nhân mới là Công ty TNHH MTV Vietstar (Vietstar Air) với vốn điều lệ tách biệt đang nằm trên tài khoản phong tỏa là 300 tỷ đồng và trước mắt chỉ bay nội địa. Chúng tôi sẽ tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng và xin bay quốc tế trong giai đoạn sau. Như vậy, điều kiện về vốn hoàn toàn đáp ứng các quy định pháp luật, đã được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính báo cáo rõ với Chính phủ.
Xin ông cho biết rõ hơn sự chuẩn bị của Vietstar Air, về nhân lực mặt đất, đào tạo phi công, thuê máy bay...?
Vietstar Air đã có bộ khung quản lý, điều hành cấp cao và các lĩnh vực khai thác bay, bảo dưỡng máy bay, khai thác mặt đất, an toàn – an ninh và đảm bảo chất lượng... như được quy định tại Nghị định 30 trước đây và Nghị định 92 hiện nay.
Thời gian từ khi được cấp giấy phép đến khi Vietstar Air cất cánh khoảng 12-18 tháng và trong thời gian đó hãng sẽ tuyển dụng, huấn luyện, xin cấp chứng chỉ cho phi công, tiếp viên, nhân viên điều phái...
Về bảo dưỡng máy bay, Vietstar Air sẽ sử dụng dịch vụ của VSAE là công ty bảo dưỡng cùng tập đoàn với Vietstar Air hiện đang cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng máy bay cho Vietjet Air, Jetstar Pacific và các hãng hàng không khác tại cơ sở bảo dưỡng ở Tân Sơn Nhất. Công ty sẽ thuê các dịch vụ phục vụ mặt đất của các doanh nghiệp hiện có ở các sân bay.
Tập đoàn Vietstar cũng có kế hoạch cung cấp các dịch vụ phục vụ mặt đất tại Nhà ga hàng không lưỡng dụng (T3) tại Tân Sơn Nhất và các nhà ga hàng không lưỡng dụng trong tương lai tại các sân bay Đà Nẵng, Nội Bài.
Nếu được cấp phép, dự kiến tại thị trường hàng không, Vietstar Air sẽ cạnh tranh trong phân khúc nào, thưa ông?
Vietstar Air sẽ kinh doanh theo mô hình hàng không giá rẻ (LCC) hoặc hàng không siêu rẻ (ULCC). Phân thị hàng không giá rẻ ở Việt Nam và trong khu vực còn nhiều tiềm năng để Vietstar Air khai thác hiệu quả. Đơn vị khác cùng tập đoàn là Công ty Cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt sẽ tiếp tục kinh doanh các dịch vụ hàng không chung, trong đó có các dịch vụ ga VIP và bay VIP bằng các máy bay phản lực nhỏ phục vụ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường hàng không hiện nay, khi Vietstar Air ra đời có khiến thị phần hàng không thêm "chật chội" không, thưa ông?
Việt Nam đang có 3 hãng hàng không hoạt động. Jetstar Pacific là hãng hàng không do Vietnam Airlines kiểm soát chi phối. So với khu vực, cạnh tranh hàng không ở Việt Nam đang ở mức độ tối thiểu.
Trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đã nghiên cứu và nhận định rằng hàng không và du lịch ở Việt Nam sẽ phát triển khá giống Thái Lan, nhưng chậm hơn họ một vài chục năm. Thái Lan hiện đã có gần 10 hãng hàng không bay nội địa, quốc tế (trong đó có tới 4 hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài là Thai Air Asia, Thai Lion Air, Nok Scoot, Thai Vietjet). Nói vậy để thấy việc Vietstar Air tham gia thị trường hàng không Việt Nam chưa có gì để gọi là "chật chội" cả.