08:41 29/02/2024

Hàng không toàn cầu trong vùng "nhiễu động", nhân tố giúp doanh nghiệp thích ứng và vươn lên

Ánh Tuyết

Xoay vần trong một thế giới VUCA đầy biến động, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vận tải hàng không toàn cầu vượt lên thách thức và nắm bắt cơ hội mới, đó là quản lý và mở rộng đội bay hiệu quả. Nhiều hãng chủ động đầu tư các loại tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, bền vững hơn và đẩy mạnh số hoá hoạt động...

Ngành hàng không phát triển trong bối cảnh bất định, nhiều thách thức đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ.
Ngành hàng không phát triển trong bối cảnh bất định, nhiều thách thức đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ.

Từ ngày 27-29/2, Hội nghị hàng không quốc tế International Airline Symposium (IAS) 2024 với chủ đề “Navigating Aviation in a Never Normal World - Ngành hàng không: Điều hướng trong bối cảnh bất định” được tổ chức Hà Nội.

Hội nghị quy tụ những lãnh đạo cấp cao và chuyên gia hàng đầu trong ngành hàng không và nhiều lĩnh vực để cùng bàn thảo về những xu hướng, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực hàng không. Đây là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp ngành hàng không chủ động xây dựng chiến lược phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. 

THÁCH THỨC DO GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG

Vietnam Airlines giữ vai trò là hãng hàng không chủ nhà của hội nghị năm nay. Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng ngành hàng không khá nhạy cảm với những sự thay đổi của môi trường, từ thời tiết, dịch bệnh, chiến tranh đến kinh tế. Thế nhưng, trong những năm gần đây, những biến số mới xuất hiện nhiều hơn, có thể kể đến đại dịch Covid-19, có lẽ là điều hiếm gặp trong suốt lịch sử loài người hay những thay đổi lớn về công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI). Những điều này bắt buộc ngành hàng không phải nhìn nhận lại, thay đổi mạnh mẽ hơn để thích nghi.

"Vietnam Airlines có chiến lược hoạt động, những kế hoạch dài hạn nhưng trong bối cảnh có những thay đổi lớn, chúng tôi bắt buộc phải nhìn kỹ và nhìn sâu hơn", ông Hà giãi bày.

Gợi mở những điều quan trọng giúp một hãng hàng không vươn lên tầm cao mới trong bối cảnh VUCA (thế giới đa cực) đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mập mờ, lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh đến 8 nhân tố cốt lõi. Đó là tầm nhìn chiến lược, phân tích thị trường, trải nghiệm khách hàng, áp dụng công nghệ, phát triển bền vững, an toàn, tuân thủ quy định và trao quyền, thu hút sự tham gia của nhân viên.

"Bằng cách tập trung vào những lĩnh vực then chốt hiệu quả, hãng hàng không có thể định vị để thành công lâu dài và tăng trưởng bền vững trong thị trường hàng không năng động", ông Hà khẳng định.

Một trong những yếu tố quan trọng mà lãnh đạo hãng hàng không quốc gia nhấn mạnh, đó là việc quản lý và mở rộng đội bay. Trong đó, quản lý đội bay hiệu quả là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của hành khách. Theo đó, người lãnh đạo sẽ cần đánh giá các lựa chọn mở rộng hoặc hiện đại hóa đội bay, xem xét các yếu tố như: hiệu suất máy bay, hiệu quả nhiên liệu, phát triển bền vững với môi trường.

Nhận định về những thử thách quản trị đội tàu bay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng trước mắt, thách thức nhất với các hãng hàng không hiện tại là những hệ luỵ tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nhân lực nổi lên trong 2, 3 năm gần đây, đặc biệt giai đoạn hậu Covid.

Hội nghị thảo luận về những thay đổi, thách thức của ngành hàng không toàn cầu.
Hội nghị thảo luận về những thay đổi, thách thức của ngành hàng không toàn cầu.

Trong ngắn hạn, Vietnam Airlines phải tìm kiếm những giải pháp để khai thác đội máy bay hiện tại ổn định hơn, hiệu quả hơn và tăng năng suất để bù đắp sự thiếu hụt do bắt buộc phải đưa 12 máy bay A321 vào bảo dưỡng sắp tới.

 

"Trước đây, để đưa một động cơ vào bảo dưỡng kéo dài khoảng 100 - 120 ngày nhưng hiện có thể lên đến 250 ngày, thậm chí 300 ngày. Điều này bắt buộc các hãng hàng không phải quản trị việc thiếu hụt lực lượng tàu bay, để tiếp tục duy trì tải cung ứng phục vụ cho thị trường và hành khách".

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo ông Hà, cả thế giới có khoảng 3.500 động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney phải đưa vào kiểm tra, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực khai thác của các hãng hàng không. Vietnam Airlines có 24 động cơ, tương đương 12 máy bay A321 phải đưa vào bảo dưỡng.

Còn trong dài hạn, việc quản trị yêu cầu rút ngắn quá trình bảo dưỡng tàu bay, vừa giúp tăng nguồn lực, vừa đưa thêm công nghệ mới vào sử dụng, khai thác. Đây là câu chuyện chung mà cả ngành hàng không, các hãng hàng không, các nhà chế tạo máy bay cũng như nhà sản xuất động cơ phải giải quyết.

Theo đó, các bên phải cùng nhau hợp tác, phối hợp chia sẻ thông tin và sử dụng công nghệ mới như AI, phân tích dữ liệu để đưa ra phương án tối ưu khi sửa chữa và bảo dưỡng động cơ.

"Các hãng hàng không phải sử dụng được những dữ liệu này để dự báo trước và sớm những giai đoạn, thời kỳ phải đưa máy bay vào bảo dưỡng. Khi dự báo được trước những tình huống này sẽ đảm bảo đội máy bay hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai dài hạn", ông Hà nhấn mạnh.

VƯỢT THỬ THÁCH, NẮM CƠ HỘI KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ XANH

Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội là yếu tố then chốt để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu và thu hút hành khách quay trở lại. Theo đó, lãnh đạo hãng hàng không cần ưu tiên các sáng kiến nhằm nâng cao sự tiện nghi cho hành khách, rút ngắn và đơn giản hóa quy trình di chuyển, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho từng nhóm khách hàng. Song song là phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc đảm bảo tuân thủ các quy định và duy trì tiêu chuẩn an toàn bay cao nhất.

Cùng với đó, cần áp dụng công nghệ và đổi mới để duy trì tính cạnh tranh và cải thiện hiệu quả hoạt động, tận dụng các cơ hội để khai thác trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu và các nền tảng kỹ thuật số nhằm tối ưu hóa quản lý doanh thu, cải thiện các quy trình an toàn, và tinh gọn quy trình hành chính.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia hàng không đầu ngành có 55 kinh nghiệm, ông Nawal Taneja, Giáo sư ngành hàng không tại Viện công nghệ Massachusetts và Trường Đại học bang Ohio (Mỹ), cho rằng những năm gần đây ngành hàng không đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ chính là nhân tố quyết định, giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt khi lập kế hoạch mới, dễ thích ứng, kiên cường hơn để có thể đối phó với những biến đổi chưa từng thấy.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công cần song hành sự thay đổi trong cơ cấu, nhân sự và văn hóa để thích ứng với công nghệ và mang lại năng suất cao hơn.

Cùng với đó, vị chuyên gia này lưu ý dù AI là một công cụ rất quan trọng khi ứng dụng thành tựu của công nghệ nhưng doanh nghiệp cần cẩn trọng với khuyến nghị được AI đưa ra, bởi dữ liệu cho AI là dữ liệu xấu sẽ đem lại hệ luỵ và các đề xuất được đưa ra sẽ rất tệ.

Ông Nawal Taneja cố vấn cho các cơ quan hàng không dân dụng và nhiều doanh nghiệp ngành hàng không trên thế giới. 
Ông Nawal Taneja cố vấn cho các cơ quan hàng không dân dụng và nhiều doanh nghiệp ngành hàng không trên thế giới. 

Một trong mối lo ngại ngày càng gia tăng khác đó là vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường bền vững. Theo ông Lê Hồng Hà, các hãng hàng không cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu vết carbon của hãng và thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường như nghiên cứu các sáng kiến đầu tư vào các loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, áp dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), thực hiện các chương trình bù trừ carbon.

Chung tay hành động để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Lê Hồng Hà cho biết Vietnam Airlines thành lập ban chỉ đạo về phát triển bền vững và triển khai nhiều chương trình, chiến lược cụ thể nhằm kích thích các sáng kiến. Từ những thay đổi nhỏ nhất trên các chuyến bay như thay thế một số dụng cụ, vật phẩm trên chuyến bay làm từ nhựa, nylon sang những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, Vietnam Airlines có những chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng đội tàu bay sử dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế việc phát thải ra môi trường như: Boeing 787, A350, A321...

"Tuy nhiên, chi phí để sản xuất nhiên liệu bay SAF hiện gấp 2 - 3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch hiện tại. Đây là một thách thức đối với ngành hàng không, bởi đây chắc chắn sẽ trở thành một cấu phần trong giá vé", ông Hà quan ngại.

Cùng chung quan điểm, ông Glenn Morgan, nguyên Giám đốc công nghệ Tập đoàn hàng không International Airlines Group (IAG), cho biết nhiều hãng hàng không đặt mục tiêu riêng về việc giảm khí thải carbon, thông qua việc sử dụng năng lượng sạch hơn để tiến đến trung hòa khí thải carbon. Tuy nhiên, thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành là việc tìm kiếm nhiên liệu hàng không bền vững SAF khi hiện mới có 0,1% số chuyến bay toàn cầu sử dụng nhiên liệu này.

Do đó, cần có sự hỗ trợ và tham gia của tất cả các bên, Chính phủ, nhà sản xuất cũng như ngành hàng không cả hãng hàng không, những trường đại học và cơ sở nghiên cứu để tìm ra những phương pháp, cách làm phù hợp để giảm chi phí và tăng sản lượng SAF, để mục tiêu net zero đạt được sớm hơn.

 

Hội nghị diễn ra 4 phiên thảo luận về các đề tài khác nhau, xoay quanh những thay đổi, thách thức của ngành hàng không toàn cầu.

Những vấn đề chung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị gồm các xu hướng hiện tại tác động đến các hãng hàng không; làm sao để nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng dịch vụ, đạt được sự đơn giản, thuận tiện, tốc độ và tính bền vững; ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề của ngành và hành khách...