19:00 05/11/2017

HDBank, "quả đấm thép" và hộp sữa

Minh Đức

Mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 279% của HDBank được giải thích là đã đến thời điểm

Từ 2017, với những bước đi và kết quả đang gợi mở, đến lượt HDBank bắt đầu tạo điểm chú ý mới trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Từ 2017, với những bước đi và kết quả đang gợi mở, đến lượt HDBank bắt đầu tạo điểm chú ý mới trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017. Theo người trong cuộc, mức tăng trưởng lợi nhuận tới 279% là… bình thường, kết quả sau những năm lựa chọn giữa "quả đấm thép" và hộp sữa.

Với mức tăng trưởng đó, 9 tháng đầu năm HDBank đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 1.912 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng dự kiến sẽ vượt xa kế hoạch năm với lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 107%; các tỷ suất sinh lời ROA dự kiến 1,43%, ROE trên 20% - thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

"Đã đến thời điểm"

Trả lời về tốc độ tăng trưởng trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, sau gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, đã đến thời điểm các giá trị nền tảng của ngân hàng phát huy hiệu quả.

Năm 2012, HDBank sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Cho đến nay, đây là trường hợp duy nhất thực hiện tái cơ cấu qua sáp nhập, hợp nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011-2015 mà không vướng khó khăn trọng yếu nào, không gặp những vấn đề phức tạp và nặng nề như ở một số trường hợp khác.

Ông Lê Thành Trung cũng khẳng định, điểm xuất phát cho HDBank hiện nay là thuận lợi trong kế hoạch sáp nhập trên: cả hai ngân hàng trước khi đến với nhau đều đang hoạt động tốt, tự nguyện và chung một mục đích để cùng lớn mạnh.

"Thực ra, tái cơ cấu không phải là yêu cầu tập trung trong giai đoạn đó, mà đặt ra thường xuyên trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Trước sáp nhập, cả DaiABank và HDBank đều có tình hình tài chính lành mạnh, sức khỏe ổn định. Với định hướng và yêu cầu phát triển, hai bên tự nguyện sáp nhập. Và chính điều này được khẳng định ngay sau đó, chúng tôi không mất nhiều thời gian như một số trường hợp tái cơ cấu khác, chỉ mất khoảng 6 tháng để nhanh chóng đi vào quỹ đạo hoạt động của một chỉnh thể thống nhất", Phó tổng giám đốc HDBank nhìn lại.

Bình thường và tự nguyện, thể hiện ở tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1 khi sáp nhập mà không phân biệt, cũng như không phân biệt lợi ích cổ đông và cán bộ nhân viên hai sau sáp nhập. Điều này giúp HDBank có được sự gắn kết, đồng thuận nội bộ để cùng một hướng chỉ khoảng 6 tháng khớp nối hai cơ thể. Và chỉ sau hai năm, khi hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào tình cảnh nhiều thành viên không được chia cổ tức, hoặc chủ yếu trả bằng cổ phiếu với tỷ lệ thấp, HDBank trở thành hiện tượng ít ỏi trả ngay 10% cổ tức bằng tiền mặt.

Cùng với điểm xuất phát thuận lợi đó, ông Trung cũng lý giải thêm, tốc độ tăng trưởng của HDBank đến nay có thêm lực đẩy ở môi trường kinh doanh nói chung.

9 tháng đầu năm 2017, tình hình hoạt động chung của nhiều ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, trên cơ sở kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt hơn, hay các chính sách điều hành ở vấn đề liên quan như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… đã cho kết quả tốt hơn.

Và có một yếu tố quyết định. HDBank đã âm thầm chọn hướng đi từ 5 năm trước, ngay sau khi sáp nhập DaiABank. Hướng đi này gợi dần lên ở kế hoạch tiếp theo: mua lại 100% vốn công ty Tài chính Société Générale (SGVF) thuộc cộng hòa Pháp, nhanh chóng tìm đối tác qua việc hợp tác chiến lược với tập đoàn Credit Saison của Nhật Bản, thương hiệu tài chính tiêu dùng HD SAISON ra đời và sớm nắm thị phần ở một phân khúc kinh doanh mới.

"Quả đấm thép" và hộp sữa

Hơn một thập kỷ trước, những đầu tàu của nền kinh tế được ví von như "những quả đấm thép". Đó như một phân khúc khách hàng dành riêng cho những ngân hàng lớn, hoặc có đặc thù.

Đến nay, sau "sự tan chảy" của "những quả đấm thép", hệ thống các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước vẫn là khối khách hàng trọng điểm, cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng thương mại.

Còn HDBank, quan điểm và con đường sau khi sáp nhập đặt trọng tâm ở phân khúc khác, được ông Lê Thành Trung chia sẻ ở thực tế đời thường trong dòng chảy của nền kinh tế đến nay, và trong tương lai.

"Dĩ nhiên ngân hàng luôn tìm kiếm và có "những quả đấm thép" tốt, những dự án lớn có hiệu quả thì tốt quá rồi. Như hiện nay nhiều khách hàng của HDBank là tập đoàn, công ty lớn hoạt động hiệu quả. Nhưng chúng tôi tập trung mạnh hơn ở những khách hàng nói đơn giản như những chiếc thẻ cào điện thoại, hay hộp sữa thường ngày, mà chúng ta vẫn nói là chiến lược ngân hàng bán lẻ", ông Trung đặt vấn đề.

Việt Nam có hơn 90 triệu dân, một thị trường tiêu dùng lớn. Nếu "những quả đấm thép" vay 10.000 tỷ, đầu tư cho dự án, làm xong là gọn. Còn thị trường hơn 90 triệu dân đó là tiềm năng tiêu dùng luôn luôn mới và mãi mãi. Ví như chiếc thẻ cào điện thoại dùng hết lại nộp thêm, hộp sữa sáng cạn đi trẻ lại cần tiếp ngay bữa chiều… Ngân hàng bán lẻ tìm hướng đi, gắn với vòng quay tiêu dùng rộng lớn và không ngừng nghỉ đó.

Thực tế đến nay không hẳn "những quả đấm thép" mới thể hiện vị thế trong nền kinh tế Việt Nam, mà những tên tuổi điển hình như Viettel, Vinamilk, Masan, Vissan, Tân Hiệp Phát… đang khẳng định thành công và sức mạnh bằng những sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ.

Như trên, HDBank đã âm thầm đặt nền tảng từ 5 năm trước. Khi hoạt động ngân hàng định hình rõ xu hướng của dòng chảy bán lẻ, đặc biệt ở tín dụng tiêu dùng, HDBank đã sớm nắm được thị phần. Lựa chọn chiến lược, chuẩn bị và xây dựng nền tảng, đi trước một bước so với nhiều ngân hàng thương mại khác, để nay hội đủ các yếu tố cho bứt phá.

Nếu hai năm trước, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tạo hiện tượng về tăng trưởng lợi nhuận, thì từ 2017, với những bước đi và kết quả đang gợi mở, đến lượt HDBank bắt đầu tạo điểm chú ý mới trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.