09:08 14/04/2018

Hiệu quả từ khu vực FDI: Để tính lan tỏa không còn là nhược điểm

Ngân Hà

Nhiều chuyên gia cho rằng tính lan toả là nhược điểm chính của khu vực FDI hiện nay

Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI rất hạn chế.
Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI rất hạn chế.

Dù thừa nhận những đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tính lan toả là nhược điểm chính của khu vực FDI hiện nay.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2018 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) -Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây đã cho thấy một chi tiết đáng chú ý. Đó là tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm nay. 

Nhưng đóng góp chính cho sự tăng trưởng này là từ hoạt động xuất nhập khẩu. Điều đáng nói, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI khi tỷ lệ xuất khẩu của khu vực này lên tới 70%.

Đóng góp 70% xuất khẩu...

Thực trạng "10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì có tới 7 đồng là của FDI" cho thấy sự vượt trội của khu vực FDI so với khu vực trong nước. Hơn nữa, phần đóng góp của Việt Nam vào con số 70% trong xuất nhập khẩu của khu vực FDI là khá ít ỏi khi mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI cũng rất hạn chế.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp  FDI tại Việt Nam (VAFIE) cho rằng, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. 

Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

GS Nguyễn Mại thông tin, trong xuất khẩu sang Mỹ của khối ASEAN, nếu như năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khối thì đến năm 2014 đã vươn lên đứng đầu, chiếm 22% tổng xuất khẩu sang Mỹ của khối. 

Việt Nam chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới, đứng đầu là xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, dệt may và hiện đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, Việt Nam có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Như vậy, chúng ta kém xa các nước xung quanh chúng ta về mặt này. 

Theo GS Mại, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu có 2 đầu: đầu giá trị gia tăng cao và đầu giá trị gia tăng thấp. Nhưng trong một số ngành của Việt Nam, các doanh nghiệp của ta chủ yếu tập trung vào khâu có giá trị gia tăng thấp như may mặc, da giày, gia công chế biến sản phẩm thô... 

Cũng bởi sự liên kết thiếu chặt chẽ này nên doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh khá thấp trong khi năng suất lao động cũng không có nhiều cải thiện. 

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, không thể nói chung chung là năng suất lao động của Việt Nam thấp và cần nâng cao năng suất lao động. Bởi theo ông, phải phân chia năng suất lao động theo những ngành riêng rẽ mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp.

"Sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất kim loại là ngành có năng suất lao động cao và tăng độ tăng trưởng năng suất lao động cũng cao. 

Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất máy móc, thiết bị... là những nhóm ngành có năng suất lao động thấp nhưng có tốc độ tăng năng suất cao. 

Trong khi đó, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất xe có động cơ; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế hay chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... là ngành có năng suất lao động cao nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thấp. 

Cuối cùng là những ngành có năng suất lao động thấp và tốc độ tăng năng suất lao động cũng thấp như sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan...", ông Khôi phân tích.

Tập trung mạnh vào 4 giải pháp

Ông Khôi cho rằng, cần nghiên cứu sâu đến các tiểu ngành cấp 2, cấp 3 mới thấy tiểu ngành nào có năng suất lao động cao/thấp, có tốc độ tăng năng suất lao động cao/thấp để có giải pháp phù hợp và quy trách nhiệm trực tiếp cho từng bộ/ngành và từng người thì mới có tiến triển. 

"Nếu cứ chung chung thì mọi người không thấy trách nhiệm của mình và cứ nghĩ đó không phải là việc của mình", ông Khôi nêu quan điểm.

Theo GS. Nguyễn Mại, để thúc đẩy tính lan toả từ hiệu ứng thu hút FDI và gia tăng kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước, cần tập trung mạnh vào 4 giải pháp. 

Thứ nhất, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp  Việt Nam. Theo đó, muốn thành công thì các doanh nghiệp cần tự tin, chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu, và phải có chiến lược phát triển, thích ứng với các yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài. 

Thứ hai, luôn đổi mới, nâng cao trình độ để đáp ứng các yêu cầu của đối tác FDI. 

Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Chính phủ cần đề cao hơn nữa vai trò của hiệp hội, qua đó có thể gắn kết các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI với nhau. 

Thứ tư, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia kết nối với doanh nghiệp trong nước.