Hồi âm về trách nhiệm của các ngân hàng thua lỗ ngàn tỷ
Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc mua lại bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý
Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri Tp.HCM cho rằng cần xem xét việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng).
Cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm đối với các ngân hàng này khi để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, cần thiết cần xử lý trách nhiệm hình sự từng trường hợp để tránh việc kinh doanh thua lỗ rồi để Ngân hàng Nhà nước gánh nợ.
Tại công văn trả lời, Ngân hàng Nhà nước trình bày, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan này đã xác định được các ngân hàng yếu kém, trong đó có 3 ngân hàng là Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương. Đây là 3 ngân hàng thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ cao hoặc/và lâm vào tình trạng phá sản.
Ngân hàng Nhà nước đã đặt 3 ngân hàng này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, yêu cầu 3 ngân hàng xây dựng phương án cơ cấu lại để xử lý những tồn tại, yếu kém.
Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cơ cấu lại, tuy nhiên, ngân hàng Dầu khí toàn cầu không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi. Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương không thực hiện được phương án đã được phê duyệt, thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền.
Trong khi đó, các phương án xử lý pháp nhân đối với các ngân hàng yếu kém này đều không khả thi (không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của cả 3 ngân hàng; không thực hiện được phương án phá sản do thời điểm đó chưa có chủ trương cho phá sản ngân hàng nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội lớn, nguy cơ tác động rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng thương mại khác rất lớn, khó kiểm soát).
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp, trước tình hình trên, phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn, nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Cơ quan có trách nhiệm hồi âm cử tri khẳng định: việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý. Thực tế cho thấy giải pháp mua bắt buộc đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường, người gửi tiền ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 ngân hàng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước không phải hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng này.
Về trách nhiệm đối với các ngân hàng khi để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, văn bản trả lời nêu: "thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả thanh tra, đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh".
Theo công văn trả lời, việc để ngân hàng yếu kém, kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng trực tiếp thuộc về trách nhiệm giám sát, quản trị, điều hành yếu kém của các cổ đông lớn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành của chính các ngân hàng này.
Theo đó, cổ đông lớn, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, người quản lý, điều hành của các ngân hàng này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng đều đã, đang bị Cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc các ngân hàng thương mại yếu kém không làm giảm trách nhiệm và nghĩa vụ của các cổ đông ngân hàng, đặc biệt là các cổ đông có sai phạm. Trái lại, thông qua việc trực tiếp cử người tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện phát hiện đầy đủ, chính xác hơn các sai phạm và các nghĩa vụ của các đối tượng này, từ đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định.