17:14 26/07/2019

Hơn 60-70 doanh nghiệp cho vay ngang hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Thủy Diệu

Hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình.
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình.

Thông tin được Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình đưa ra tại sự kiện Vaymuon (một start-up trong lĩnh vực Fintech về cho vay ngang hàng P2P Lending, thuộc sở hữu của NextTech) công bố hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống và ký hợp tác chiến lược với đối tác bảo hiểm, ngày 25/7 tại Hà Nội.

Ông Bình cho biết, qua nghiên cứu và theo dõi, cho thấy hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) của Trung Quốc sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam. 

Như vậy, nếu so với con số mà Ngân hàng Nhà nước thông tin trước đó, rằng Việt Nam hiện có 40 công ty P2P Lending đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore - thì số doanh nghiệp P2P Lending Trung Quốc có mặt tại Việt Nam, như theo ông Bình, đã gấp rất nhiều lần.

Theo Chủ tịch NextTech, mô hình P2P Lending tại Trung Quốc, giai đoạn phát triển bùng nổ có tới 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tuy nhiên sau đó đã sụp đổ và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo vị này, mô hình P2P Lending tự phát triển mà chưa đủ cơ chế quản lý và do đó doanh nghiệp P2P Lending đã "trăm hoa đua nở" tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tốt đã "mọc" ra rất nhiều doanh nghiệp khác lợi dụng mô hình này để làm những điều xấu, như huy động vốn cho doanh nghiệp mình, dòng tiền chảy qua doanh nghiệp mà không có sự minh bạch, sau đó sử dụng dòng tiền đấy để đầu tư vào những thứ rủi ro mạo hiểm, và đến khi thị trường xấu thì mất khả năng thanh khoản và gây ra những hệ lụy cho xã hội và nhà đầu tư.

Hoặc các doanh nghiệp P2P Lending này tạo ra các khoản vay ảo, vay giả để tiền chảy qua công ty để lợi dụng làm những việc khác.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc có quá nhiều, tới sáu, bảy mươi doanh nghiệp P2P Lending Trung Quốc tràn sang Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuê người Việt làm đại diện (còn ông chủ là người Trung Quốc) đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, dùng các chiêu bài quảng cáo, gây nhầm lẫn, lừa đảo… để lấy khách hàng. Và rất nhiều khách hàng bị cho vay với lãi suất rất cao, tới 60-70%/tháng thậm chí còn hơn, đồng thời cũng tác động và gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chân chính và thị trường.

"Việc hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc như vậy rất dễ làm hỏng thị trường, và nguy cơ lớn nhất là có thể đẩy thị trường, đẩy mô hình P2P Lending đến sự đổ vỡ y như tại Trung Quốc", ông Bình nhận xét đồng thời cho rằng, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cần sớm có những văn bản, quy định để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này, để các doanh nghiệp chân chính, có phép được bảo vệ, được hoạt động bình đẳng.

Cũng liên quan đến thông tin về cho vay ngang hàng, đầu tháng 7 mới đây, Ngân hàng Nhà nước có ra văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động cho vay ngang hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng các kênh tiếp cận về nguồn lực tài chính cho xã hội.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý này cũng cho rằng, mô hình P2P Lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.

Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro.

Hay rủi ro đến từ một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay; trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại…