14:52 26/02/2018

Hồng Kông lúng túng vì ngân sách thặng dư quá lớn

Bình Minh

Hồng Kông đang có mức thặng dư ngân sách lớn hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào

Hồng Kông luôn nằm trong top những thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: SCMP.
Hồng Kông luôn nằm trong top những thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: SCMP.

Trong khi người Hồng Kông phải đối mặt với giá nhà "chát" nhất thế giới, chính quyền của vùng lãnh thổ này đang hưởng mặt lợi của thị trường địa ốc và chứng khoán đắt đỏ. Đó là mức thặng dư ngân sách lớn hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn một báo cáo của hãng kiểm toán PwC dự báo thặng dư ngân sách của Hồng Kông có thể lên tới 168 tỷ Đôla Hồng Kông, tương đương 21,5 tỷ USD, trong tài khóa 2017-2018 vừa kết thúc. Con số cụ thể sẽ được công bố vào ngày thứ Tư tuần này.

Con số dự báo nói trên cao gấp 10 lần mức dự báo thặng dư 16,3 tỷ Đôla Hồng Kông mà chính quyền thành phố đưa ra ban đầu. Khoản thặng dư khổng lồ này chủ yếu đến từ nguồn thu lớn hơn dự kiến từ việc bán đất, thuế lợi nhuận và thuế tem - theo PwC.

Còn theo dữ liệu của Bloomberg, thặng dư ngân sách của Hồng Kông đạt 8,6% GDP trong quý 3/2017, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1999. Nếu tính cả năm tài khóa, thặng dư ngân sách của Hồng Kông sẽ lớn hơn của bất kỳ nền kinh tế phát triển nào trên thế giới, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Trong bối cảnh Hồng Kông đã ngang với New York về mức độ bất bình đẳng thu nhập, và xuất hiện nhiều lo ngại về việc vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông sẽ bị lấn át bởi sự nổi lên của Thẩm Quyến hay Thượng Hải, mức thặng dư ngân sách khổng lồ có thể làm dấy lên những lời kêu gọi khác nhau về biện pháp sử dụng khoản tiền dôi dư.

"Họ có thể dùng ngân khố cho việc hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn", chuyên gia kinh tế Mahamoud Islam thuộc Euler Hermes nhận định.

Theo ông Islam, thặng dư ngân sách lớn mở ra cơ hội để chính quyền Hồng Kông đầu tư cho nền kinh tế để chuẩn bị cho tình huống viễn cảnh kinh tế toàn cầu có thể trở nên khó khăn hơn từ năm 2019. Việc đầu tư này có thể thông qua thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các chương trình giáo dục để đào tạo thêm kiến trúc sư, kỹ sư, chuyên gia tư vấn… để tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho chương trình con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo PwC, chính quyền Hồng Kông có thể dựa trên sử dụng nguồn ngân sách thặng dư để miễn giảm thuế cho một số đối tượng, tăng phụ cấp cho người lao động có con nhỏ, tạm hoãn thuế tem đối với người dân mua nhà lần đầu với giá dưới 6 triệu Đôla Hồng Kông…

Phát biểu trước báo giới hôm 17/2, ông Paul Chan, người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông nói rằng mức thặng dư ngân sách có thể không lớn như giới phân tích dự báo. Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng chính quyền Hồng Kông nên phát tiền mặt cho người dân như cách làm của Macau và Singapore. Tại Hồng Kông vào năm 2011, người dân cũng đã từng được phát 6.000 Đôla Hồng Kông tiền mặt mỗi người.

Ngoài ra, ông Chan cũng nói mức thuế thu nhập 15% đối với mức lương tiêu chuẩn ở Hồng Kông hiện nay đã là cạnh tranh với các nền kinh tế khác và ông sẽ không tính đến chuyện cắt giảm thuế trên diện rộng.

Trong một bài viết trên blog hôm Chủ nhật, ông Chan nhấn mạnh rằng giáo dục, y tế, nhà ở và sáng tạo đang là những vấn đề cấp bách nhất của Hồng Kông, đồng thời nói rằng chính quyền có nghĩa vụ phải tranh thủ những năm thặng dư ngân sách để chuẩn bị cho những năm kinh tế đi xuống sau này.