17:45 21/12/2017

Hợp tác Việt - Hàn: "Từ dấu cộng đến dấu nhân"

Bạch Dương

25 năm qua, quan hệ kinh tế Việt - Hàn phát triển theo "dấu cộng" đã đạt được những kết quả không tưởng

Quan hệ Việt - Hàn được nhìn nhận đang bước sang giai đoạn trưởng thành đến phát triển theo chiều sâu - Ảnh: Quang Phúc.
Quan hệ Việt - Hàn được nhìn nhận đang bước sang giai đoạn trưởng thành đến phát triển theo chiều sâu - Ảnh: Quang Phúc.

25 năm qua, quan hệ kinh tế Việt - Hàn phát triển theo "dấu cộng" đã đạt được những kết quả không tưởng, để vươn lên tầm cao mới giai đoạn tới sẽ phải chuyển sang "dấu nhân" tức là phát triển theo chiều sâu.

Đây là nhận định của ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á -  châu Phi (Bộ Công Thương) tại toạ đàm "Nhìn lại 25 năm quan hệ kinh tế Việt-Hàn và triển vọng trong tương lai" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 21/12, nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ̣ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

"Năm 2017 thương mại hai chiều Việt - Hàn sẽ vào khoảng 60 tỷ USD, thống kê chính thức là khoảng 61 tỷ USD, tăng 38% - là con số không tưởng suốt tiến trình 25 năm qua và có cơ sở để đạt 100 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, nói 100 tỷ hay 200 tỷ USD thực sự không phải là tất cả, quan trọng đó sự kết nối", ông Hải nói.

Theo đó, ông Hải cho rằng những năm qua, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn chiếm 1/4 của cả nước, luỹ kế hiện nay khoảng 57,5 tỷ USD, hai nước hợp tác sâu rộng về công nghiệp, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, chuyển giao công nghệ...

"Quan hệ giữa hai nước là quan hệ hỗ trợ, sâu sắc tuy nhiên mới dừng lại ở hợp tác mang tính dấu cộng dựa trên những gì đã có, tranh thủ tiềm năng thị trường. Mới như vậy đã đạt tăng trưởng mạnh nhưng thành tựu đã khó nhưng làm sao để duy trì và tiếp tục phát triển, tôi cho rằng quan hệ hai nước giai đoạn tiếp theo phải hợp tác theo dấu nhân tức là hợp lực, gắn kết các nguồn lực, chia sẻ thị trường, nguồn lực của nhau. Ở đây là thị trường Việt Nam trong ASEAN, thị trường Hàn Quốc trong khu vực Đông Bắc Á.

Việt Nam hiện nay đang tham gia rất nhiều FTA, đây là cơ hội mở rộng thị trường của nhà đầu tư Hàn Quốc. Từ việc chia sẻ thị trường chung còn là cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị chung của toàn cầu. Còn các tập đoàn của Hàn Quốc có thể lấy Việt Nam làm căn cứ phát triển ra khu vực", ông Hải nói.

Muốn làm được điều đó, ông Hải cho rằng cần có sự kết nối ở tầm Chính phủ hai nước, làm sao có sự tương đồng về chính sách, kết nối doanh nghiệp với nhau, giữa các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc với Việt Nam với quan hệ "cộng sinh, âm dương".

Samsung cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại Việt Nam

Đại diện cho doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Việt Nam cho rằng Việt Nam chính là quê hương thứ hai.

"Tại Việt Nam, Samsung coi đây là quê hương, là ngôi nhà thứ hai của mình, và vì vậy chúng tôi đến Việt Nam không chỉ để tập trung tạo ra lợi nhuận đơn thuần, mà chúng tôi luôn mong muốn tạo ra tác động lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam, mà cụ thể là hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung", ông Bang nói.

undefined - Ảnh 1.

Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Việt Nam.

Tính đến nay, Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động, đóng góp hơn 20% vào kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam. Nếu như tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2016 là hơn 40 tỷ USD thì dự kiến trong năm 2017 này, kim ngạch xuất khẩu của Samsung sẽ đạt trên 50 tỷ USD.

Sau những nỗ lực nhằm tìm kiếm và kết nối với các nhà cung ứng Việt, con số các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cứng cấp 1 của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại và đến năm 2020, mục tiêu của Samssung là có được 50 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1.

Cũng bắt đầu từ năm 2017 này, Samsung sẽ chuyển hướng, mở rộng phạm vi tư vấn hỗ trợ sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật như điện/điện tử (bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện...) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện điện tử phức tạp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

"Nhiều người hiểu sai mục đích của Samsung trong việc cung cấp tư vấn. Họ nghĩ rằng Samsung chỉ tập trung vào các nhà cung cấp mà sau này sẽ trở thành nhà cung cấp của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định làm điều đó.

Chúng tôi muốn hỗ trợ tư vấn cho các nhà cung cấp có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng của chúng tôi để từ đó trực tiếp hỗ trợ các công ty Việt Nam cải tiến sản phẩm và công nghệ của họ. Điều quan trọng là chúng tôi muốn họ không chỉ tham gia chuỗi cung ứng của Samsung mà còn có cơ hội tham gia vào các tập đoàn lớn khác trên toàn thế giới", ông Bang chia sẻ.

Hiện Samsung đang lên kế hoạch cùng Bộ Công Thương đào tạo 200 chuyên gia của Việt Nam. Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ về kĩ thuật để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, còn Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng các chuyên gia.

Vị này khẳng định những nỗ lực không ngừng của Samsung nói trên là sự đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng phụ kiện của Samsung, đồng thời là sự khẳng định mạnh mẽ cho cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam của Samsung.

Tháng 1/2018, Tập đoàn FLC sẽ mở văn phòng đại diện tại Seoul

undefined - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC - Ảnh: Quang Phúc.

Cũng tại cuộc tọa đàm, đại diện doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chia sẻ những kế hoạch trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc. Tập đoàn FLC chuyên về bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf trong những năm gần đây đã có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác với nhiều đối tác Hàn Quốc.

Ông Trần Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho biết, người Hàn Quốc rất thích chơi golf, cứ 10 người Hàn Quốc thì có một người chơi golf và họ muốn trải nghiệm những sân golf đẳng cấp. Trong 10 khách chơi golf tới Việt Nam có tới 3 khách đến từ Hàn Quốc. Đón đầu làn sóng này, Tập đoàn FLC đã đầu tư lớn và sở hữu 3 quần thể nghỉ dưỡng nổi tiếng, 4 sân golf đẳng cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Trong đó, quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn có ý nghĩa khá đặc biệt trong quan hệ với đối tác Hàn Quốc. Ông Huy chia sẻ, quận Yongsan (Hàn Quốc) có kết nghĩa với thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Tại thành phố này, FLC là đơn vị duy nhất có quần thể khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao do đó, khách Hàn Quốc sang thì FLC Quy Nhơn là lựa chọn duy nhất và tối ưu.

"Thông qua đầu tư, chúng tôi đã biến những vùng đất hoang hoá trở thành những khu nghỉ dưỡng hạng sang như tại Quy Nhơn, Sầm Sơn…từ đó góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam, thay vì khách họ chỉ ghé các thành phố lớn mua sắm họ sẽ đi tham quan, nghỉ dưỡng ở những bãi biển của Việt Nam. Hàn Quốc có đặc điểm là mùa đông kéo dài và rất lạnh nên họ sẽ có xu hướng sang các nước nhiệt đới để nghỉ dưỡng và chơi golf", ông Huy nói.

Ông Huy cho biết, tháng 12 năm nay FLC đã khai trương văn phòng đại điện tại Tokyo (Nhật Bản), tháng 1/2018 sẽ mở văn phòng đại diện tại Seoul (Hàn Quốc), qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Ông cũng hi vọng, các hiệp hội như Korcham, doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam sẽ có những chương trình hợp tác hơn nữa không chỉ với FLC mà còn với nhiều doanh nghiệp Việt, chẳng hạn là chương trình tự nguyện đào tạo tiếng Hàn, dạy nấu ăn, hợp tác văn hoá…