11:21 06/03/2009

HSBC: Chứng khoán Việt Nam khó phục hồi trong năm nay

Kiều Oanh

Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) tiếp tục đưa ra những dự báo bi quan về thị trường chứng khoán Việt Nam

Dựa trên báo cáo tài chính 2008 của các doanh nghiệp niêm yết, HSBC cho biết, mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) toàn thị trường đã giảm tới gần 30% trong năm 2008.
Dựa trên báo cáo tài chính 2008 của các doanh nghiệp niêm yết, HSBC cho biết, mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) toàn thị trường đã giảm tới gần 30% trong năm 2008.
Trong báo cáo Vietnam Monitor tháng 3/2009, Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) tiếp tục đưa ra những dự báo bi quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo số liệu đưa ra trong báo cáo này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm thêm 22% trong năm 2009, trở thành thị trường chứng khoán tệ nhất ở châu Á tính tới thời điểm này của năm.

Chỉ số MSCI của thị trường châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cùng kỳ chỉ giảm có 12%. Còn so với mức đỉnh hồi tháng 3/2007 tới nay, VN-Index đã “bốc hơi” 81% giá trị nếu tính bằng đồng USD.

Những số liệu khác về thị trường cũng u ám không kém. Khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trên cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM trong tháng 2 vừa qua cộng lại chỉ đạt có 13 triệu USD.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường đã sụt về mức 10 tỷ USD. Trên thị trường không còn một cổ phiếu niêm yết nào có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và chỉ có đúng 4 cổ phiếu có giá trị vốn hóa trên 500 triệu USD. Trong số này, 1 cổ phiếu đã kịch “room” cho các nhà đầu tư ngoại.

Báo cáo cho hay, hoạt động bán ra của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chậm lại. Sau lượng bán ròng lên tới 127 triệu USD trong quý 4/2009, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 2 triệu USD từ đầu năm tới nay.

Lý do chính của sự giảm tốc trong hoạt động bán ra của khối ngoại mà HSBC đưa ra là gần như toàn bộ các dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trừ các quỹ quốc gia đóng (closed-end country fund) đã rút hết khỏi thị trường. Đang tồn tại một rủi ro là các quỹ đóng này có thể mở ra, hoặc ngưng hoạt động. Chẳng hạn, quỹ PXP Vietnam Emerging Equity Fund mới đây đã cho phép các nhà đầu tư rút cổ phiếu, và số cổ phiếu này có thể sẽ được các nhà đầu tư bán ra.

Nhìn chung, áp lực từ hoạt động bán ra của khối ngoại được xem như đã kết thúc. Tuy nhiên, tâm lý của các nhà đầu tư trong nước hiện vẫn ở trạng thái rất bi quan về triển vọng thị trường.

Dựa trên báo cáo tài chính 2008 của các doanh nghiệp niêm yết, báo cáo cho biết, mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) toàn thị trường đã giảm tới gần 30% trong năm 2008.

Số liệu đưa ra trong báo cáo cho thấy, doanh thu của các công ty niêm yết trong năm 2008 tăng mạnh, với mức tăng lên tới 40%, nhưng lợi nhuận hoạt động chỉ tăng có 8%. Đáng nói là thua lỗ ở các khoản đầu tư địa ốc và chứng khoán đã khiến lợi nhuận ròng giảm mất 25%.

Việc huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết càng khiến mức EPS thêm "thê thảm", mất tới 29,5% trong năm ngoái. Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ còn có 11%, so với mức 18% năm 2007.

Trong số 329 công ty niêm yết có số liệu được công bố, có 23 công ty làm ăn thua lỗ năm 2008, trong đó có cả những doanh nghiệp được các nhà đầu tư ngoại trước đây yêu thích như REE, Gemadept, Cáp và Vật liệu viễn thông…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng và đây phần lớn là những công ty tập trung vào mảng kinh doanh chính, không đầu tư “tay trái”. Trong số này, phải kể tới Vinamilk với mức tăng trưởng EPS 27% và hệ số ROE ở mức 27%.

Vài “điểm sáng” khác như Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Hòa Phát, Vĩnh Sơn, Vận tải dầu khí, Tái bảo hiểm Quốc gia đều có mức tăng EPS trên 20%.

Mức giảm EPS 29,5% của thị trường chứng khoán Việt Nam tệ hơn mức dự báo giảm 10% mà HSBC đưa ra trước đây. Với tỷ lệ tăng trưởng EPS thực tế năm 2008 này, HSBC cho biết, hệ số P/E của chỉ số VN-Index hiện tại là 9,6 lần.

Các chuyên gia thực hiện bản báo cáo cho rằng, EPS của thị trường Việt Nam sẽ không tăng trong năm nay, nhưng có thể tăng 10% trong năm 2010. Với ước tính này, hệ số P/E của 12 tháng tới sẽ là 9,5 lần, mức P/E thấp nhất từ trước tới nay của VN-Index.

Hiện tại, P/E của nhiều cổ phiếu niêm yết đã ở mức thấp kỷ lục của chính các cổ phiếu đó như Vinamilk (10,8 lần), Phân đạm và Hóa chất dầu khí (7,8 lần), Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (7,9 lần), FPT (7,2 lần), Hòa Phát (5,8 lần)…

Tuy nhiên, so với các thị trường khác trong khu vực, theo HSBC, giá cổ phiếu ở Việt Nam vẫn chưa phải là rẻ. Ở Thái Lan và Trung Quốc, P/E 12 tháng tới lần lượt là 8,2 và 7,8 lần.

HSBC nhận định, nhiều nhà đầu tư thích phiêu lưu có thể mua cổ phiếu của những công ty niêm yết có cơ cấu tốt trên thị trường Việt Nam lúc này với hy vọng ở triển vọng dài hạn của thị trường. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng sẽ còn tiếp tục khó khăn trong năm nay.