ICT là nền tảng của chuyển đổi số
Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, diễn ra ngày 5/7.
Hiện cả nước đang có chung một khát vọng Việt Nam hùng cường. Ngành thông tin và truyền thông với sứ mạng tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc. Thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực. ICT là hạ tầng vật chất cho phát triển, báo chí truyền thông là hạ tầng tinh thần cho phát triển và phải đi trước.
Xác định chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực cho sự phát triển bền vững, bao trùm cho Việt Nam.
Cần sử dụng công nghệ nhiều hơn, nhất là công nghệ mới, công nghệ số để giải quyết các bài toán của ngành, của xã hội. Toàn ngành đặt mục tiêu cao, sứ mạng mới, bám sát khát vọng Việt Nam hùng cường đến năm 2045 thành nước công nghiệp phát triển...
Trong các lĩnh vực cụ thể, Bộ trưởng cho biết, sẽ ban hành Chỉ thị về định hướng phát triển bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt.
Cùng với đó, sẽ phát hành sách tham khảo về kinh tế số và hoạt động bưu chính số toàn cảnh thế giới, xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính...
Đối với lĩnh vực viễn thông, yêu cầu tập trung chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập smartphone, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý các vấn nạn rác viễn thông...
Về ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, Bộ sẽ ban hành các Khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu đạt 30% đến hết năm 2019.
Đặc biệt trong công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, về "Make in Vietnam".
Theo đó, sẽ thúc đẩy phát triển các loại doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp; các doanh nghiệp ICT cần hoạt động theo sứ mạng mới phát triển công nghệ Việt Nam chuyển đổi số cho đất nước theo hướng doanh nghiệp tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác; doanh nghiệp start-up và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới.
Bộ sẽ có quy định về thử nghiệm chính sách Sandbox, đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới; triển khai Trung tâm chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G.
Đối với lĩnh vực báo chí xuất bản, Bộ trưởng cho biết, thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, làm việc với Tp.HCM; Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để sắp xếp các cơ quan báo chí.
Tinh thần quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh về thực hiện quy hoạch báo chí...
Liên quan đến vấn đề này, Cục Báo chí cho biết, dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan báo chí, chủ quản báo chí để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai; rà soát các nhân sự bị tác động để có phương án giải quyết...
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng tiêu chí để xác định các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Nhà nước hỗ trợ đảm bảo kinh phí thông qua cơ chế đặt hàng hoặc mua dịch vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hiện hàng trăm cơ quan báo chí, mỗi cơ quan đầu tư kinh phí để làm nền tảng công nghệ sẽ không đủ nguồn lực và lãng phí. Một công nghệ nền tảng dùng chung cho báo điện tử đang được xây dựng và dự kiến ra mắt trong tháng 7 này.
Thông tin về hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của toàn ngành thông tin và truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, tổng doanh thu toàn ngành 6 tháng đạt 1.347.087 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2018, trong đó chủ yếu là đóng góp của ngành công nghiệp ICT. Nộp ngân sách nhà nước đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2018. Đặc biệt, Bộ đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone...