11:28 30/08/2018

ICT Việt: Cơ hội từ miếng bánh 164 tỷ USD Nhật Bản

Thủy Diệu

Các lĩnh vực tiềm năng và có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là IoT, thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo và big data

Sự kiện Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 29/8.
Sự kiện Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 29/8.

Ngành dịch vụ thông tin của Nhật Bản của có quy mô doanh số khoảng 164 tỷ USD và vẫn đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, trong khi nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ này vẫn khá thiếu và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Đánh giá được giới chuyên gia của cả Việt Nam và Nhật Bản đưa ra tại sự kiện Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) diễn ra ngày 29/8 tại Hà Nội với chủ đề "Hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Japan ICT Day sẽ kéo dài từ ngày 28 – 31/8/2018 tại Hà Nội và Đà Nẵng, là một trong chuỗi các sự kiện chính thức kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018).

Trích dẫn nguồn từ "Điều tra về mặt kinh tế của ngành ICT" năm 2018 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, quy mô thị trường ngành ICT Nhật Bản (kim ngạch sản xuất nội địa theo giá hiện hành năm 2016), với tỷ trọng ngành ICT trong tổng quy mô thị trường ngành công nghiệp xấp xỉ 10%, đạt 94 nghìn tỷ yên (khoảng 850 tỷ USD).

Đáng chú ý, tỷ trọng ngành ICT trong mảng dịch vụ thông tin (phần mềm, dịch vụ cung cấp và xử lý thông tin) khoảng hơn 20%, đạt 18 nghìn tỷ yên (164 tỷ USD), và đây được xem là lĩnh vực mà các doanh nghệp công nghệ của Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhất.

JETRO cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, ngành dịch vụ về ICT và lĩnh vực sản xuất ICT của Nhật Bản đã, đang có xu hướng giảm khá mạnh. Ngược lại, ngành dịch vụ thông tin lại tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, ngành dịch vụ ICT năm 2016 so với năm 2000 giảm 20% (22 nghìn tỷ yên), sản xuất về ICT giảm 55% (21 nghìn tỷ yên), dịch vụ thông tin tăng 30% (4 nghìn tỷ yên).

Cũng theo nghiên cứu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng các công nghệ mới tại các doanh nghiệp Nhật như AI (trí tuệ nhân tạo), Internet kết nối vạn vật (IoT), robotics, xe tự hành đang tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, nhân lực công nghệ thông tin nói chung của quốc gia này đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020.

Việc Nhật Bản thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin và đặc biệt là các kỹ sư trong mảng công nghệ mới lại là cơ hội của Việt Nam.

Theo Hiệp hội phần mềm và nội dung số (VINASA), nhân lực luôn là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học - đó chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ.

Hiện tại Việt Nam có 290 trường đại học và cao đẳng cung cấp đào tạo công nghệ thông tin và có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin theo học hàng năm. Theo đánh giá của HackerRank - Mỹ, Việt Nam là đất nước có khả năng của các nhà phát triển phần mềm xếp thứ nhất ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho rằng, nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn và là tương lai của hợp tác công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng cho biết, hiện đang có sự dịch chuyển rất lớn của các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Việt Nam cũng như các doanh nghiệp phần mềm Việt không còn được nhìn nhận là nơi có nhân công giá rẻ và chỉ làm các đơn hàng, các dự án từ các công ty Nhật chuyển về mà rất nhiều các công ty Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ mới, phát triển sản phẩm và thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển. Đây là xu hướng chuyển dịch tương đối rõ rệt, ông Hùng nhận xét.

Và các lĩnh vực tiềm năng mà Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Nhật đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới, theo ông Hùng là IoT, thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) và big data.

Tuy nhiên, để đón nhận cơ hội này, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản (VJC) Nguyễn Đoàn Hùng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt trong định hướng đầu tư vào Nhật Bản thì khó khăn đầu tiên vẫn cần phải khắc phục là đào tạo kỹ sư thành thạo tiếng Nhật.