Indonesia “như ngồi trên lửa” vì đồng Rupiah rớt giá
Đồng Rupiah đang yếu đi tới mức đáng lo ngại, dù Bank Indonesia đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ tỷ giá
Đồng Rupiah của Indonesia đang yếu đi tới mức đáng lo ngại, và Ngân hàng Trung ương nước này (Bank Indonesia) gần như chưa gặt hái được kết quả gì sau nhiều nỗ lực vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.
Theo hãng tin CNBC, Bank Indonesia tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc họp vào ngày thứ Tư, và thị trường đang đồn đoán rằng ngân hàng trung ương này đang chuẩn bị tung ra những biện pháp mới để cứu tỷ giá.
Đồng Rupiah đã trở thành một trong những đồng tiền chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực châu Á khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường khu vực và chuyển về Mỹ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên.
Giá trị sa sút của đồng Rupiah có thể gây ra vấn đề lớn cho khối nợ ngoại tệ không hề nhỏ của Indonesia, và dòng vốn chảy khỏi thị trường trái phiếu Indonesia là một tin xấu đối với Chính phủ nước này.
Những nỗ lực nhằm vực dậy tỷ giá mà Bank Indonesia triển khai thời gian gần đây bao gồm nâng lãi suất và mua vào trái phiếu chính phủ. Nhưng đồng Rupiah vẫn giữ đà giảm giá. Vào hôm 23/5, tỷ giá đồng tiền này giảm xuống mức 14.202 Rupiah đổi 1 USD, mức thấp nhất trong hơn 2 năm.
Theo chiến lược gia Eugene Leow thuộc ngân hàng DBS Bank của Singapore, sự suy yếu kéo dài này của đồng Rupiah đòi hỏi phải có thêm những đợt tăng lãi suất nữa, trong đó "đợt tăng tiếp theo có thể diễn ra ngay trong tuần này".
Trong cuộc họp vào giữa tháng 5, Bank Indonesia đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đợt tăng đầu tiên kể từ tháng 11/2014. Ngân hàng trung ương này dự định sẽ họp lần tiếp theo vào tháng 6, nhưng hôm thứ Sáu tuần trước tuyên bố sẽ họp thêm một lần nữa vào ngày 30/5.
Ông Perry Warjiyo, người mới được bổ nhiệm làm Thống đốc Bank Indonesia, nói rằng đây không phải là một cuộc họp khẩn cấp, nhưng Bank Indonesia cần đi trước một bước xét tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 12-13/6.
"Các động lực bên ngoài đang hình thành rất nhanh chóng và các quan niệm thị trường cũng hình thành nhanh chóng, đến nỗi xuất hiện một khuynh hướng phi lý. Những động lực này cần phải được phản hồi ngay lập tức để ổn định tình hình", ông Warrjiyo nói tại một cuộc họp báo vào ngày thứ Hai.
Các chuyên gia, bao gồm các nhà phân tích của Morgan Stanley, dự báo Bank Indonesia sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư tuần này. Tuy vậy, một số cảnh báo rằng tăng lãi suất liên tục trong một thời gian ngắn có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Australia ANZ nói Indonesia cần thêm hai đợt tăng lãi suất với mức tăng 0,25 điểm phần trăm mỗi đợt để hỗ trợ tỷ giá đồng Rupiah. Nếu Bank Indonesia thực hiện hai đợt tăng lãi suất này vào cuộc họp ngày 30/5 và cuộc họp ngày 27-28/6, thì nước này sẽ tăng lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm chỉ trong vòng 6 tuần.
"Việc tăng lãi suất quyết liệt như vậy có thể đè nặng lên tăng trưởng", một báo cáo ra ngày 28/5 của ANZ cảnh báo. Theo báo cáo này, lãi suất tăng thêm 1 điểm phần trăm có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Indonesia mất đi 0,2-0,4 điểm phần trăm.
"Bởi vậy, chúng tôi kỳ vọng các biện phạm vĩ mô khôn ngoan hơn để bù đắp phần nào ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế", báo cáo viết.
Indonesia, là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang có tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng. Trong quý 1 năm nay, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 5,06%, không đạt dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.