16:31 23/11/2018

Khai thác thị trường gấc triệu “đô”, doanh nghiệp điêu đứng vì hàng giả, hàng nhái

Bạch Dương

Doanh nghiệp dầu gấc Vinaga đang điêu đứng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường

Các diễn giả tại cuộc tọa đàm sáng 23/11 tại Hà Nội.
Các diễn giả tại cuộc tọa đàm sáng 23/11 tại Hà Nội.

Ngày 23/11, ấn phẩm Tư vấn Tiêu và Dùng thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá". 

Thực trạng vi phạm nhãn mác hàng hoá, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng hiện nay là một vấn nạn xã hội chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí đang ngày một gia tăng. Không loại trừ một mặt hàng nào, hàng giả, hàng nhái bám sát và neo đậu từ những sản phẩm có giá thành thấp đến mức giá cao.

Người tiêu dùng luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ mua phải hàng giả, hàng nhái và doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng vô cùng hoang mang khi uy tín bị ảnh hưởng.

Gấc - cây triệu "đô" và nguy cơ hàng giả, hàng nhái

Gấc là cây bình dân ở Việt Nam nhưng được thế giới gọi là "quả thiên đường" vì trong trái gấc có chứa beta caroten gấp 15 lần so với carot và 68 lần so với cà chua. Một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy một số hợp chất trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hoá nhiều chất gây ung thư, chống oxi hoá, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

Khai thác tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất chiết tinh gấc và xuất khẩu. Ngoài ý nghĩa về dược liệu, gấc còn rất tiềm năng trong việc sản xuất thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm và thuốc.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định tiềm năng xuất khẩu của trái gấc Việt rất lớn. Công dụng của sản phẩm này cũng đã được giới khoa học trong và ngoài nước chứng minh. Song để ngành gấc phát triển đúng hướng cần nhà nước quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong vấn đề hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, vấn đề hàng giả hàng nhái các sản phẩm gấc đang diễn ra rất phức tạp. Hàng giả đe doạ hàng thật khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại lớn, tiêu thụ sản phẩm giảm.

GS. Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia về nông nghiệp, cũng khẳng định gấc là thực phẩm rất tiềm năng hiện được trồng ở nhiều nơi trên đất nước ta, các cơ quan chức năng cần tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái để người nông dân trồng gấc không bị ảnh hưởng đến kế sinh nhai. 

Ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFood) chia sẻ: "Chúng tôi sản xuất dầu gấc Vinaga. Sau khi ra đời 3 - 4 năm thì có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Theo chúng tôi ghi nhận được, hiện nay đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc "nhái" tương tự sản phẩm của chúng tôi, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".

Chẳng hạn, cùng màu sắc, cùng thiết kế mẫu mã, đến tên gọi cũng gần như y hệt khi chỉ thay thế chữ N bằng chữ T, một sản phẩm là dầu gấc Vinaga loại còn lại là dầu gấc Vitaga. Những điểm trùng hợp này thực sự khiến người dùng gặp khó khi lựa chọn sản phẩm dầu gấc trên thị trường. Nhất là có nơi bán cùng lúc cả 2 loại sản phẩm này.

Sự khác biệt lớn nhất của 2 loại dầu gấc chỉ đến từ nơi sản xuất khi sản phẩm Vinaga là của Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam, còn sản phẩm Vitaga là của công ty Cổ phần Dược phẩm Hight tech USA.

Cho rằng sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu, phía doanh nghiệp dầu gấc Vinaga đã gửi đơn yêu cầu giám định tới Viện khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Doanh nghiệp lao đao vì hàng giả

Vị CEO Vinaga cho rằng mình xuất thân là bác sĩ, rất lúng túng trong xử lý vấn đề trong khi thiệt hại do hàng giả hàng nhái không thể đong đếm hết. Đọc báo thấy chế tài xử còn quá nhẹ, thậm chí còn không biết báo ai xử lý vấn đề.

Bị xâm phạm nhưng cũng không biết báo ai xử lý. Những chia sẻ của người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất dầu gấc này tưởng chừng như "đùa" nhưng lại đang là một sự thật với nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi mà chính bản thân họ chưa biết bắt đầu từ đâu để ngăn chặn những sản phẩm có tên và nhãn mác tương tự với đơn vị mình.

"Thời gian qua doanh nghiệp đã tập trung cho chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty luôn nỗ lực thực hiện công tác quản trị thương hiệu, kiểm soát các kênh phân phối và theo dõi thị trường. Tuy nhiên, vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái ngày một diễn ra phức tạp và tinh vi hơn. Chúng tôi đã và đang nỗ lực, nhưng cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và đồng hành của người tiêu dùng.

Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn của công ty mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người dùng", ông Suất nói.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng đề cập đến các cơ hội phát triển các sản phẩm tinh chế từ trái gấc đối với thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt bàn thảo về các giải pháp khả thi và thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái trên thị trường. 

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Kết quả giám định là chứng cứ ban đầu cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi, ví dụ như bên Quản lý thị trường, lúc đó doanh nghiệp sẽ đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý". 

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, chúng ta có hệ thống cơ quan nhà nước, ví dụ thẩm quyền xử lý có cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có chữ thanh tra. Để xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái cần phải đi theo quy trình và không có gì khó. 

Quy trình mà lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường nhắc đến có một điều kiện bắt buộc là phải có đơn khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý.

"Chủ sở hữu phải có yêu cầu, nếu không yêu cầu thì không làm được. Đối với hành vi vi phạm phải yêu cầu cũng giống như trộm vào nhà mình phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi Viện sở hữu trí tuệ người ta đã cấp cho anh xác nhận đơn vị này đã xâm phạm quyền nhãn hiệu của anh, thì anh cầm toàn bộ kết luận và đơn sang bên chỗ chúng tôi. Thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và kiểm tra ngay", ông Lộc nói với ông Suất. 

Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, vấn đề nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình trước sóng gió của thị trường, trong đó có vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Trong ngày 22/11, phía doanh nghiệp sản xuất dầu gấc Vinaga HDA đã hoàn tất các thủ tục để gửi đơn khiếu nại đến hàng loạt các cơ quan chức năng. Trong đó có đơn vị là Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội.