Khi doanh nghiệp FDI “ít” đóng góp cho ngân sách
Mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách
Tổng cục Thống kê cho rằng thời gian tới cần rà soát chặt chẽ để khống chế các địa phương cho ưu đãi vượt mức để thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhằm tạo công bằng cho các khu vực kinh tế.
Đề xuất này của Tổng cục Thống kê được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI có mức lợi nhuận cao nhất so với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước, song lại có mức đóng góp vào ngân sách thấp nhất.
Thực trạng trái ngược này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn đều chiếm tỷ lệ không cao nhưng hiện đang tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm.
Con số lợi nhuận mà các doanh nghiệp FDI tạo ra cao hơn đáng kể so với mức lợi nhuận khiêm tốn của các doanh nghiệp tư nhân (188,1 nghìn tỷ đồng) và 197,4 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách, chỉ 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm trong giai đoạn 2010 - 2016, thấp hơn đáng kể so với 434,7 nghìn tỷ đồng của khu vực tư nhân và 277,3 nghìn tỷ đồng của khu vực nhà nước.
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do chủ trương thu hút FDI của các địa phương, thứ hai là doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào đầu tư công nghệ cao, trong khi lĩnh vực này luôn có những ưu đãi nhất định từ Chính phủ.
Theo ông Thúy, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao có chính sách rất ưu đãi về thuế, trong khi, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao lại đa phần là doanh nghiệp khối FDI nên họ nghiễm nhiên được ưu đãi lớn như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn toàn trong 4 năm đầu tiên, 3 năm sau nộp thuế 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...
Ngoài ra, doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu nên số lượng đóng góp cho ngân sách nhà nước càng giảm hơn.
Mới đây nhất, trong buổi chia sẻ với báo giới về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thẳng thắn cho biết trong năm 2017, Vĩnh Phúc bị hụt thu tới hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách do ảnh hưởng chủ yếu từ thay đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện và xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN.
Thậm chí, theo ông Thúy, có nhiều địa phương thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút FDI, một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm các loại thuế với thời gian linh hoạt.
Với quá nhiều ưu đãi mà khu vực FDI nhận được, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo đã từng phải thốt lên rằng trong khi các doanh nghiệp trong nước ngày càng hụt hơi thì các công ty FDI đang nhận được nhiều ưu đãi.
"Từ lợi thế này, họ có chính sách thu hút nhân tài mà công ty Việt Nam khó làm được. Các nhân tài này tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp FDI lớn mạnh", ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, ông này cũng thừa nhận thời gian qua một bộ phận doanh nghiệp ngoại chuyển giá, trốn thuế VAT, khai thấp lợi nhuận để trốn thuế doanh nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xây dựng nghị định chống chuyển giá của khu vực doanh nghiệp này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
"Thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn, không để các tỉnh, thành vượt khung trong ưu đãi FDI, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với doanh nghiệp trong nước", ông Vinh nói.