10:31 27/05/2008

Khi lạm phát trở lại - Kỳ 2

Kiều Oanh

Lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế đang phát triển có tác động ra sao đến các nước giàu?

Nếu không giải quyết được vấn đề lạm phát, tương lai tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi lên sẽ bị đe dọa - Ảnh: The Economist.
Nếu không giải quyết được vấn đề lạm phát, tương lai tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi lên sẽ bị đe dọa - Ảnh: The Economist.
Tạp chí The Economist vừa có bài viết phân tích về tình hình lạm phát hiện nay trên thế giới. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả kỳ 2 của bản lược dịch bài viết này. Tựa đề do tòa soạn đặt.

>>Khi lạm phát trở lại - Kỳ 1

Các nền kinh tế đang nổi lên đang có nguy cơ lặp lại những sai lầm mà các ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển vào những năm 1970, khi họ dựa vào tỷ lệ lạm phát cơ bản và coi đây là lý do để giữ lãi suất dưới mức lạm phát tiêu dùng.

Nhưng lãi suất thực âm lại chính là nhân tố thúc đẩy sự gia tăng của nhu cầu, trong khi những kỳ vọng về lạm phát gia tăng thúc đẩy người lao động đòi tăng lương. Trừ phi các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ, những kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao.

Mức độ di động cao của các luồng vốn

Mức độ độc lập trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng chịu sự hạn chế lớn do chính phủ các nước muốn định giá đồng nội tệ mức thấp, trong bối cảnh các dòng vốn trên thị trường quốc tế có mức độ di động cao - một thực tế mà các nước phát triển cách đây 3 thế kỷ không phải đối mặt.

Khi các ngân hàng trung ương can thiệp vào tỷ giá hối đoái để ngăn không để đồng nội tệ tăng giá, họ phải in tiền để mua USD, và như thế, lượng thanh khoản nội địa tăng mạnh.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất liên tục trong thời gian qua càng khiến cho các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu tăng lãi suất, họ sẽ thu hút được lượng vốn đổ vào lớn hơn, và việc can thiệp thêm cần có để giữ cho đồng nội tệ không lên giá lại khiến lạm phát tăng cao hơn, khiến việc tăng lãi suất chẳng còn ý nghĩa.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm 2008 này nhằm nỗ lực hút bớt thanh khoản, nhưng lại không tiến hành tăng lãi suất. Sự trượt giá gần đây của đồng Rupee đã đem đến cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương nước này) nhiều khả năng có thể tăng lãi suất hơn, nhưng ngân hàng này lại tỏ ra chậm trễ trong việc đưa ra một động thái như vậy.

Những nền kinh tế neo buộc đồng tiền của mình vào USD như Hồng Kông và các nước vùng Vịnh thậm chí còn buộc phải cắt giảm lãi suất theo FED, trong khi nền kinh tế phát triển mạnh của họ cần tới chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nhiều người cho rằng, kinh tế Mỹ suy thoái có thể kéo theo sự tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang nổi lên. Nhưng trên thực tế, các nền kinh tế này vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Và mặc dù các nền kinh tế đang nổi lên có thể “miễn nhiễm” những tác động của kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ của họ lại không thể làm vậy. FED càng cắt giảm lãi suất, lượng thanh khoản và nhu cầu nội địa tại các nền kinh tế này lại càng tăng mạnh.

Và điều này đồng nghĩa với giá hàng hóa cao hơn, khiến dân Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng” thêm, và rồi FED lại phải cắt giảm thêm lãi suất…

Một cách để tăng hiệu quả của công cụ lãi suất trong chống lạm phát là áp dụng những quy định chặt chẽ hơn có tính tạm thời đối với các dòng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn, tháng 3 vừa qua, Brazil đã áp dụng mức thuế 1,5% đối với các khoản đầu tư nước ngoài vào trái phiếu chính phủ nước này. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đề cho rằng, các biện pháp kiểm soát các dòng vốn đổ vào sẽ không có tác dụng trong dài hạn.

Đối với nhiều nhà kinh tế học và và các nhà hoạch định chính sách phương Tây, giải pháp cho vấn đề này khá đơn giản: Các nền kinh tế đang nổi lên cần nới lỏng kiểm soát tỷ giá hối đoái để tỷ giá hối đoái trở nên linh hoạt hơn. Điều này sẽ giúp họ có thêm khả năng để tăng lãi suất, và đồng nội tệ mạnh hơn sẽ giúp giảm giá nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát cũng khá phức tạp. Nhà phân tích Stephen Jen của Morgan Stanley nhận định rằng, việc “thả” cho đồng nội tệ lên giá có thể sẽ khuyến khích các nhà đầu tư kỳ vọng đồng tiền lên giá cao hơn nữa, hấp dẫn các dòng vốn bên ngoài ồ ạt chuyển vào, và như thế, càng khiến lạm phát tăng cao hơn. Đây chính là vấn đề mà hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt.

Cách duy nhất để ngăn chặn những luồng vốn có mục đích đầu cơ đổ vào là chỉ nâng giá đồng nội tệ tới một mức mà các nhà đầu tư không kỳ vọng sự tăng giá xa hơn. Nhưng mức nâng giá như thế nào là đủ lại là một vấn đề khác.

Lấy đồng Nhân dân tệ làm ví dụ. Chuyên gia Jen cho rằng, đồng tiền này đã ở gần “mức giá phù hợp” so với USD, nếu xét đến những yếu tố như tăng trưởng kinh tế tương đối và kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn thâm hụt cán cân thanh toán của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ phải tăng giá tới 100% - một con số không thể chấp nhận được về mặt chính trị.

Mới đây, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Trung Đông và Trung Á, ông Mohsin Khan, cũng đưa ra lập luận tương tự đối với các quốc gia vùng Vịnh. Theo ông Khan, các nước này không nên định giá lại đồng tiền hay điều chỉnh chế độ tỷ giá hối đoái của mình vào thời điểm này, mặc dù lạm phát đã ở mức cao và vẫn đang tiếp tục tăng. Bất kỳ động thái nào làm tăng kỳ vọng của giới đầu tư cũng có thể khiến lượng vốn ngắn hạn đổ vào tăng mạnh và làm tăng thêm những áp lực lạm phát.

Với mức độ di động cao của các dòng vốn trên thị trường quốc tế và chính sách tiền tệ của Mỹ quá lỏng lẻo, các nền kinh tế đang nổi lên không dễ tìm “thuốc” để “trị” lạm phát. Đúng là cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa, nhưng một “làn sóng” vốn đổ vào do lãi suất cao có thể khiến lượng thanh khoản trong nước tăng vọt, hoặc khiến giá trị đồng nội tệ tăng quá cao.

Brazil đã cho phép đồng tiền của mình là đồng Real tăng giá hơn 100% so với USD trong vòng 5 năm qua. Điều này giúp hạ lạm phát, nhưng đồng Real hiện đang bị cho là ở mức giá quá cao, khiến Brazil trở lại với tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai.

Trung Quốc xuất khẩu lạm phát?

Có một giải pháp khác là thắt chặt chính sách tài khóa nhằm giảm nhu cầu trong nước. Tốc độ tăng trưởng cao của chi tiêu công là một phần lý do dẫn tới tăng trưởng thái quá trong nhu cầu nội địa của Brazil. Nhưng ở Trung Quốc - một quốc gia có ngân sách khổng lồ - giải pháp này xem ra khó thực hiện vì sẽ khiến lượng tiết kiệm nội địa tăng mạnh, kéo thặng dư cán cân vãng lai vốn đã khổng lồ của nước này tăng theo.

Nói cách khác, các nền kinh tế đang nổi lên cần chấp nhận điều này vì năng suất của các nền kinh tế này tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế phát triển, do đó, tỷ giá hối đoái thực của đồng nội tệ của họ tăng theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với hoặc tỷ giá hối đoái danh nghĩa phải tăng hoặc lạm phát cao hơn. Các nước đang phát triển không thể tránh hai vấn đề này.

Lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế đang phát triển có tác động ra sao đến các nước giàu? Tăng trưởng tiếp tục ở các nước này đồng nghĩa với giá lương thực, nhiên liệu và các loại nguyên vật liệu thô khác sẽ duy trì ở mức cao. Nói cách khác, đây là một cú sốc giá tương đối thường trực, thay vì chỉ mang tính chất tạm thời. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa sẽ duy trì đà tăng với tốc độ như hiện nay, vì giá cao sẽ khuyến khích tăng trưởng nguồn cung.

Mặc dù vậy, vẫn còn đó những quan ngại rằng sau nhiều năm với lượng hàng xuất khẩu dồi dào giúp ghìm giá cả trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc hiện đang xuất khẩu lạm phát qua các sản phẩm của mình. Các con số thống kê từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, sau khi liên tục đi xuống trong vòng nhiều năm, giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước này trong tháng 4 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong thời kỳ đi lên bắt đầu từ tháng 12/2004.

Tuy nhiên, chuyên gia Jonathan Anderson của Ngân hàng UBS cho rằng, cho rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát không hoàn toàn là chính xác. Nếu nhìn vào mức giá của hàng hóa Trung Quốc được tái xuất khẩu từ Hồng Kông (hoạt động tái xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đại lục qua Hồng Kông có lịch sử lâu đời hơn) có thể thấy, giá hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ chỉ tăng có 3% kể từ năm 2004. Và sự “cất cánh” của giá hàng hóa Trung Quốc thời gian gần đây hoàn toàn là do đồng Nhân dân tệ tăng giá so với USD, không phải do lạm phát tăng cao ở Trung Quốc.

Trong bất kỳ trường hợp nào, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lạm phát trên toàn cầu phụ thuộc vào sự khác biệt giữa mức độ giá cả giữa các quốc gia thay vì tốc độ tăng giảm giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc đã giúp kiềm chế lạm phát tại các nước phát triển vì hàng hóa của nước này có giá rẻ và chiếm thị phần của những hàng hóa đắt đỏ khác.

Và thực tế này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc cũng buộc các nhà sản xuất của nước nhập khẩu phải hạ giá bán và cũng giúp giảm bớt yêu cầu tăng lương ở các nước giàu. Khi Trung Quốc tiếp tục đi lên trong chuỗi giá trị, nước này sẽ còn giúp hạ giá thêm nhiều sản phẩm nữa. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp kiềm chế sự tăng giá trên phạm vi toàn cầu, mặc dù có thể mức độ kiềm chế này sẽ thấp hơn so với trước đây.

Rủi ro lớn nhất mà lạm phát tăng cao đem lại nằm ở các nền kinh tế đang nổi lên, thay vì ở các nền kinh tế phát triển. Do nhóm hàng lương thực - thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu của các hộ gia đình ở các nước đang phát triển, các nước này phải đối mặt với lạm phát gia tăng cao hơn, đồng thời những hậu quả về mặt xã hội và chính trị cũng sẽ nghiêm trọng hơn.

Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đã cảnh báo các ngân hàng trung ương trên toàn cầu về việc tránh lặp lại những sai lầm của thập niên 1970. Thời đó, các nước đang phát triển đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều trong nền kinh tế thế giới so với vai trò hiện nay của các nền kinh tế này. Để duy trì được sức mạnh mới này, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia này cần kiềm chế được lạm phát. Nếu lạm phát càng tăng, tương lai phát triển kinh tế sẽ càng nguy hiểm.

(Theo The Economist)